Leo thang căng thẳng chính trị ở Ai Cập

Tòa án Hiến pháp tối cao (SCC) Ai Cập đã đưa ra quyết định đình công vô thời hạn vào ngày 2/12 - ngày mà SCC gọi là "một ngày đen tối" đối với hệ thống tư pháp khi những người biểu tình Hồi giáo phong tỏa trụ sở cơ quan này trước thềm phiên họp đánh giá tính hợp pháp của Hội đồng Lập hiến.


 

Biểu tình ủng hộ Tổng thống Morsi tại Cairô ngày 2/12. Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Theo hãng thông tấn nhà nước MENA của Ai Cập, SCC đã ra thông báo nêu rõ sẽ "ngừng hoạt động trong một thời gian không xác định... cho đến khi không còn những sức ép nữa". Động thái này được xem là một sự leo thang căng thẳng trong cuộc đối đầu hiện nay giữa hệ thống tư pháp và Tổng thống Mohamed Morsi xung quanh sắc lệnh tuyên bố hiến pháp đầy tranh cãi được Tổng thống công bố tuần trước.


Theo kế hoạch, SCC (gồm 19 thẩm phán) sẽ nhóm họp ngày 2/12 để xem xét tính hợp hiến của điều luật bầu cử Hội đồng Shura (Thượng viện) và việc lựa chọn các thành viên của Hội đồng Lập hiến. Tuy nhiên, các thẩm phán không thể vào được tòa án do hàng trăm người ủng hộ Tổng thống Morsi tập trung biểu tình bên ngoài. Những người biểu tình cũng yêu cầu cần giải tán SCC.


Các cuộc biểu tình ủng hộ sắc lệnh tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Morsi và yêu cầu áp dụng luật Hồi giáo Sharia đã diễn ra rầm rộ trong ngày 1/12 tại thủ đô Cairô và các tỉnh Assiut, Sohag, Qena, Luxor, Aswan, Red Sea và New Valley với sự tham gia của ít nhất 200.000 người. Đây là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất của phe Hồi giáo kể từ khi Tổng thống Morsi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 6/2012.


Các lực lượng chính trị đối lập phản đối sắc lệnh tuyên bố hiến pháp của Tổng thống Morsi cũng đã biểu tình rầm rộ tại quảng trường Tahrir ở trung tâm Cairô và nhiều tỉnh thành khác trên cả nước từ 10 ngày qua.


Trong bối cảnh đó, Tổng thống Morsi ngày 2/12 cho biết cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo hiến pháp vừa được Hội đồng Lập hiến gấp rút thông qua đêm 29/11 sẽ được tổ chức vào ngày 15/12 tới. Kêu gọi tất cả người dân tham gia cuộc trưng cầu ý dân, Tổng thống Morsi nhấn mạnh văn bản này là "một bước đột phá" và là "bản hiến pháp đầu tiên thực sự mang tính đại diện, bảo vệ các quyền, tự do và nhân phẩm của tất cả người dân Ai Cập".


Sắc lệnh tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Morsi đã gây nên phản ứng dữ dội từ phe đối lập Ai Cập, đồng thời đặt ông Morsi vào thế đối đầu với ngành tư pháp. Theo Câu lạc bộ Thẩm phán, 99% các tòa án và cơ quan tố tụng Ai Cập đã đình công chống lại sắc lệnh này. Các thẩm phán cũng đe dọa tẩy chay việc quan sát cuộc trưng cầu ý dân và phe đối lập cam kết vận động chiến dịch chống đối sâu rộng. Hãng tin AP ngày 2/12 cho rằng, hiện vẫn chưa rõ liệu phe đối lập có thể huy động đủ số cử tri để "vô hiệu hóa" dự thảo hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân hay có thể tổ chức được một chiến dịch tẩy chay cuộc trưng cầu này hay không.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập) - Hồng Hạnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN