Ông Hamdi Imam, người đứng đầu bộ phận quản lý các công ty tuyển dụng thuộc Phòng Thương mại Cairo, nhận xét Libya sẽ cần ít nhất 3 triệu lao động, chủ yếu là người Ai Cập cho công cuộc tái thiết đất nước khi các điều kiện an ninh ở quốc gia Bắc Phi này được cải thiện. Đây từng là điểm đến chủ yếu của gần 2 triệu lao động Ai Cập trước khi xảy ra cuộc nội chiến cách đây một thập kỷ.
Đánh giá trên được đưa ra sau khi Ai Cập và Libya ký 11 bản ghi nhớ (MoU) hôm 20/4 trong các lĩnh vực y tế, cơ sở hạ tầng, nhà ở, giao thông, điện, thông tin liên lạc và nguồn nhân lực nhân chuyến thăm của Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly tới thủ đô Tripoli của Libya. Những thỏa thuận này sẽ cho phép người lao động Ai Cập quay trở lại thị trường lao động ở Libya, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng ngay khi các thủ tục mở lại đại sứ quán và tổng lãnh sự quán của Ai Cập tại quốc gia này được hoàn tất vào cuối tháng 5/2021.
Theo ông Madbouly, các thỏa thuận trên phản ánh sự ủng hộ mạnh mẽ của Ai Cập đối với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Libya. Giới lãnh đạo chính trị của Ai Cập ủng hộ mọi giải pháp của Chính phủ lâm thời Libya nhằm mang lại sự phát triển cho nước này trong giai đoạn tới.
Trước đó, ngày 23/4, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã chỉ thị cho chính phủ tổ chức đưa các lao động Ai Cập đến Libya dựa trên năng lực, chuyên môn và kinh nghiệm của họ.
Báo cáo năm 2010 của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho thấy có khoảng 1,5 triệu người Ai Cập làm việc tại Libya, trong đó phần lớn đến từ các vùng nông thôn và khu vực miền Nam Ai Cập, tuy nhiên nhiều người trong số này đã bị bắt cóc, giết hại hoặc bị cướp ở khu vực biên giới do tình trạng hỗn loạn an ninh. Hàng chục nghìn người trong số lao động trên đã phải trở về nhà và điều này đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Ai Cập.