Mô hình thủ đô hành chính mới của Ai Cập. |
Theo thỏa thuận nói trên, CFLD sẽ quản lý, phát triển và tiếp thị hơn 14.000 mẫu Anh của đại dự án, bao gồm tất các hạ tầng liên quan, trong khi Chính phủ Ai Cập sẽ tạo điều kiện và cấp các giấy phép cần thiết. Cũng theo thỏa thuận này, CFLD sẽ tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của 3.000 công ty tại Trung Quốc nhằm thu hút đầu tư vào Ai Cập.
Thủ đô hành chính mới của Ai Cập, một phần trong kế hoạch của Tổng thống Abdel-Fattah El-Sisi nhằm thúc đẩy kinh tế thông qua một loạt đại dự án, có tổng kinh phí ước tính lên tới 45 tỷ USD. Theo Chính phủ Ai Cập, giai đoạn một và giai đoạn hai của đại dự án xây dựng thủ đô hành chính mới sẽ thu hút 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào tháng 6/2020. Giai đoạn một của đại dự án thủ đô mới, do các công ty trong nước của Ai Cập triển khai, đã được bắt đầu từ tháng 4/2016 và dự kiến sẽ được hoàn thành trong vòng hai năm. Giai đoạn một của đại dự án này bao gồm các dự án xây dựng trụ sở và hệ thống hạ tầng cần thiết của 12 bộ và cơ quan chính phủ, một khu dân cư với hơn 25.000 đơn vị nhà ở và một công viên được coi là lớn nhất thế giới.
Ai Cập đang đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư. Nhân chuyến thăm chính thức Ai Cập hồi tháng 1/2016 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác có tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD.
Tháng 9/2016, Ai Cập đã bắt đầu đàm phán với Trung Quốc về thỏa thuận tín dụng trị giá 4 tỷ USD cho các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có một nhà máy điện Mặt Trời, với mục tiêu sản xuất tổng cộng 1 tỷ GW điện ở đất nước Kim tự tháp.
Bộ trưởng Hợp tác Quốc tế Ai Cập Sahar Nasr hồi tháng 8/2016 thông báo Cairo cũng đàm phán vay 1 tỷ USD của Bắc Kinh để đầu tư cho các dự án vệ sinh môi trường.
Trung Quốc hiện là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Ai Cập. Kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2015 đạt 13 tỷ USD, tăng 11% so với năm trước đó.
Hiện nay, khoảng 1.152 công ty Trung Quốc đang đầu tư và làm ăn tại thị trường Ai Cập, trong đó 86 doanh nghiệp từ quốc gia Đông Bắc Á này đã đầu tư 1,1 tỷ USD vào các dự án ở khu vực kênh đào Suez.