Đây là một trong những hội nghị quốc tế quan trọng nhất, quy tụ các nước thành viên, các nghị sĩ, các tổ chức phi chính phủ của khu vực và quốc tế, cũng như các tổ chức xã hội và khu vực tư nhân để thảo luận những vấn đề liên quan đến chống tham nhũng. Hội nghị sẽ xem xét việc thực thi UNCAC. Công ước này là tài liệu tham khảo toàn cầu về chống tham nhũng và cách thức hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới trong các lĩnh vực liên quan.
Phiên họp thứ chín Hội nghị các bên tham gia UNCAC cũng sẽ thảo luận các cách thức tăng cường hợp tác quốc tế để đối phó tốt hơn với tất cả các hình thức tham nhũng, cũng như các biện pháp ngăn ngừa tham nhũng thông qua giáo dục và vai trò của phụ nữ trong việc thúc đẩy tính liêm chính và thu hồi tài sản bị đánh cắp, cũng như các nỗ lực chống tham nhũng ở châu Phi. Liên hợp quốc ước tính hơn 1.000 đại biểu sẽ tham gia sự kiện này, trong đó có nhiều quan chức chính phủ cấp cao.
Ai Cập tham gia UNCAC vào tháng 12/2003, đồng thời tin tưởng vào tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng trên thế giới. Đại diện từ 160 quốc gia sẽ tham gia hội nghị để thảo luận về các cách thức giảm thiếu tình trạng tham nhũng dưới mọi hình thức và củng cố các thể chế quốc gia liên quan, thông qua hợp tác quốc tế nhằm xây dựng năng lực ở tất cả các cấp, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển.
Các quốc gia thành viên gặp nhau hai năm một lần để đánh giá việc thực hiện UNCAC và thảo luận các cách thức cải thiện mối quan hệ hợp tác để đạt được các mục tiêu của công ước. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đăng cai tổ chức phiên họp thứ tám Hội nghị các bên tham gia UNCAC, trong khi Mỹ sẽ đăng cai phiên họp thứ mười.