Ngày 27/2, hai tàu du lịch Adonia và Star Princess của Anh, tới thăm quần đảo Falkland, mà phía Áchentina gọi là Malvinas, đã bị Áchentina cấm cập cảng Ushuaia ở miền Nam quốc gia Nam Mỹ này trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai nước về quần đảo tranh chấp nói trên.
Theo truyền thông Áchentina, tàu Adonia do Tập đoàn P&O sở hữu và tàu Star Princess thuộc Công ty Carnival đã bị chặn khi tiến vào cảng Ushuaia, thủ phủ của tỉnh Tiera del Fuego sau khi hai tàu này ghé thăm quần đảo Falkland hôm 25/2 vừa qua. Chính quyền tỉnh Tiera del Fuego đã ra lệnh cấm các tàu du lịch mang cờ Anh cập cảng trên do tranh chấp xung quanh chủ quyền quần đảo Falkland giữa Anh và Áchentina.
Tàu Star Princess của Anh buộc phải quay trở ra do Argentina cấm cập cảng Ushuaia. Nguồn: Internet. |
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh đã bày tỏ quan ngại trước việc hai tàu Adonia và Star Princess không được phép cập cảng Uxuaia, đồng thời cho rằng đó là hành động can thiệp vào hoạt động thương mại tự do và hợp pháp. Hiện các nhà ngoại giao Anh tại Áchentina đang khẩn trương tìm hiểu các tình tiết xung quanh vụ việc này cũng như liên hệ với công ty hữu quan.
Căng thẳng ngày càng leo thang giữa Anh và Áchentina xung quanh quần đảo Phoóclen, mà hiện do Luân Đôn nắm quyền kiểm soát, song Buênốt Airết cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này. Trước đó, Áchentina đã từng có phản ứng mạnh mẽ trước việc Hoàng tử nước Anh William tham gia công tác tìm kiếm và cứu hộ cứu nạn trên đảo Falkland, khiến cho tranh cãi xung quanh quần đảo này tiếp tục “nổi sóng”. Những động thái trên diễn ra trước thềm kỷ niệm 30 năm ngày nổ ra cuộc đụng độ quân sự ác liệt giữa hai nước liên quan tới quần đảo này vào tháng 4 tới.
Nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Áchentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km, quần đảo Falkland từ lâu được coi là điểm trung chuyển chiến lược và dồi dào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quần đảo này đã bị quân đội Anh đánh chiếm bằng vũ lực năm 1833. Năm 1982, Áchentina đã chiếm lại được quần đảo này trong 74 ngày, nhưng sau đó lại để mất vào tay Anh. Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết hoà bình tranh chấp, tuy nhiên, Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại vùng lãnh thổ này.
TTXVN/Tin tức