72% người da màu có khả năng không tiêm vaccine COVID-19

Các chuyên gia lo ngại sẽ có rất ít người trong cộng đồng người da màu, người châu Á và dân tộc thiểu số, sẽ tiêm vaccine COVID-19, sau khi các nghiên cứu cho thấy có tới 72% người da màu cho biết họ có thể không chủng ngừa virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng bên ngoài một trung tâm tiêm vaccine COVID-19 ở thành phố Birmingham, Anh. Ảnh: Getty Images

Theo trang The Guardian (Anh), các nhà nghiên cứu thuộc nhóm Cố vấn Khoa học Chính phủ Anh đối với Các trường hợp Khẩn cấp (SAGE) đã thực hiện khảo sát trên 12.000 người để điều tra tỉ lệ do dự tiêm vaccine COVID-19 vào cuối tháng 11/2020. 

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy mức độ sẵn sàng tiêm vaccine là khá cao, với 82% người được khảo sát nói rằng họ có khả năng hoặc rất có khả năng sẽ tiêm vaccine. 96% người trên 75 tuổi cũng có cùng quan điểm này. Phụ nữ, những người trẻ hơn và những người có trình độ học vấn thấp hơn cho rằng họ ít có khả năng tiêm vaccine hơn.

Tuy nhiên, 72% người da màu nói rằng họ không chắc hoặc rất ít khả năng tiêm vaccine COVID-19. Trong đó, người Pakistan và Bangladesh chiếm 42% trong nhóm này. Các nhóm người ở khu vực Đông Âu cũng ít sẵn sàng tiêm chủng hơn.

Những con số này được cho là cao hơn so với ước tính trước đây của Hiệp hội Y tế Công cộng Hoàng gia Anh. Cuộc khảo sát được thực hiện 2.076 người trưởng thành ở Anh cho thấy 57% người dân tộc thiểu số được hỏi cho biết họ sẽ tiêm vaccine COVID-19 nếu được bác sĩ đa khoa hoặc một chuyên gia y tế khác khuyến khích tiêm chủng, so với 79% người da trắng.

Báo cáo từ SAGE nhận định các vấn đề lịch sử liên quan đến việc nghiên cứu chăm sóc sức khoẻ phi đạo đức, nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong cấu trúc và thể chế xã hội, là những lý do khiến mức độ tin tưởng vào chương trình tiêm chủng trở nên thấp hơn.

“Niềm tin là một điều đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng người da màu ít tin tưởng vào các tổ chức chăm sóc sức khoẻ. Niềm tin cũng bị huỷ hoại bởi nạn phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong cấu trúc và thể chế xã hội. Các nhóm dân tộc thiểu số trước đây ít được khảo sát trong các nghiên cứu sức khoẻ, bao gồm cả các thử nghiệm vaccine. Điều này có thể ảnh hưởng đến lòng tin vào một loại vaccine cụ thể, dù nó được coi là phù hợp và an toàn. Họ lo ngại rằng các nghiên cứu tiêm chủng không đồng nhất về mặt dân tộc”, SAGE cho biết.

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò cần thiết của bác sĩ gia đình và các nhà khoa học đối với cộng đồng người da màu, người châu Á và dân tộc thiếu số. Họ là những người đáng tin cậy có thể giải đáp những lo ngại về tính an toàn và hiệu quả của vaccine. SAGE cho rằng các phương pháp tiếp cận nên thừa nhận các vấn đề lịch sử trong nghiên cứu chăm sóc sức khỏe để giải quyết sự ngờ vực của người dân đối với chương trình tiêm chủng của chính phủ, đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên quan đến chương trình tiêm chủng trong cộng đồng người da màu.

Hải Vân/Báo Tin tức
Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi
Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi

Ngày 16/1, Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi trên toàn quốc, sau đợt tiêm đầu tiên cho hàng chục nghìn nhân viên trên tuyến đầu chống dịch. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN