Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, cuộc điều tra dư luận do hãng Realmeter thực hiện dưới sự ủy quyền của Đài truyền hình YTN, từ ngày 19-23/8, đối với 2.512 người từ 19 tuổi trên phạm vi cả nước (độ tin cậy 95%, sai số trên dưới 2%), cho thấy tỷ lệ đánh giá tích cực công tác điều hành chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in đạt 46,2%, giảm 3,2% so với tuần trước đó.
Trong khi, tỷ lệ không ủng hộ là 50,4%, tăng tới 4,1%. Đây cũng là mức không ủng hộ cao nhất kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền. Số trả lời không biết hoặc không đưa ra câu trả lời là 3,4%, giảm 0,9% so với tuần trước.
Realmeter phân tích nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon liên tục sụt giảm trong thời gian qua chủ yếu do ảnh hưởng từ những nghi vấn và tranh cãi xung quanh việc bổ nhiệm cựu thư ký cấp cao của tổng thống về vấn đề dân sự Cho Kuk làm người đứng đầu Bộ Tư pháp.
Tỷ lệ này sau đó đã phục hồi nhẹ khi Chính phủ Hàn Quốc quyết định chấm dứt Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự Hàn-Nhật (GSOMIA) ngày 23/8.
Cũng theo kết quả cuộc thăm dò trên, tỷ lệ ủng hộ đối với các đảng phái chính trị lần lượt là đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành đạt 38,3% (giảm 2,3%), Hàn Quốc tự do là 30,2% (tăng 0,8%), Công lý với 6,7% (giảm 0,2%), Bareun tương lai đạt 5,9% (tăng 0,9%), “đảng Cộng hòa của chúng ta” với 2,1% (tăng 0,3%) và Hòa bình dân chủ đạt 2,0% (tăng 0,5%); số không thuộc đảng phái đạt 13%, giảm 0,8%.
Trước đó, ngày 9/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tiến hành đợt cải tổ nội các đầu tiên trong 5 tháng qua, trong bối cảnh đối mặt nhiều thách thức trong các công việc nhà nước, bao gồm các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và căng thẳng thương mại với Nhật Bản.
Tổng thống Moon Jae-in đang gần hoàn thành nửa nhiệm kỳ 5 năm, dự kiến kết thúc vào tháng 5/2022. Đợt cải tổ này được xem là nhằm tạo thêm động lực trong ban lãnh đạo của Hàn Quốc trong bối cảnh nước này liên tiếp đối mặt với những tranh cãi chính trị nội bộ và thách thức từ bên ngoài.