5 nghi vấn về tên lửa S-300 Nga bán cho Syria

Nếu các thông tin mới đây của truyền thông là đúng, thì Nga, nhà cung cấp truyền thống các thiết bị quân sự cho Syria, có thể sẽ sớm cung cấp cho Damascus, hoặc đã cung cấp rồi, các hệ thống phòng không S-300 tiên tiến nhằm cân bằng tương quan lực lượng trong cuộc xung đột đã kéo dài 26 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.

Chưa có thông tin chính xác về hợp đồng cung cấp S-300 của Nga cho Syria.


Một khi nắm trong tay hệ thống tên lửa này, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sẽ sở hữu sức mạnh phòng không ghê gớm chống lại các cuộc không kích từ bên ngoài – một trong những chọn lựa đang được xem xét dưới dạng can thiệp quốc tế, và có thể phá vỡ thỏa thuận mong manh gần đây giữa Moscow và Washington.


Nhưng những thông tin có thể thẩm tra về hợp đồng S-300 lại quá hiếm hoi: Liệu đã có một thỏa thuận như vậy chưa? Nó bao gồm những điều khoản gì? Có điều khoản nào đã được thực hiện? Hãng RIA Novosti đã tìm cách làm sáng tỏ mớ thông tin hỗn loạn này bằng cách trả lời 5 câu hỏi lớn:


1. Liệu đã có một thỏa thuận bán S-300 cho Syria chưa? Làm sao chúng ta biết được?


Về mặt kỹ thuật thì đó hoàn toàn là tin đồn. Chỉ có một mảnh bằng chứng chắc chắn duy nhất là một báo cáo thường niên hồi năm 2011 của nhà sản xuất S-300, nhà máy chế tạo máy Nizhny Novgorod, đề cập một hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa cho Syria. Báo cáo này đã bị dỡ khỏi website của Nizhny Novgorod, nhưng được dẫn lại trên tờ nhật báo kinh doanh uy tín Vedomosti lúc đó nói rằng, hợp đồng trên trị giá 105 triệu USD và một số lượng không xác định hệ thống S-300 sẽ được chuyển giao từ năm 2012 đến đầu 2013.


Trong khi đó, tất cả các báo cáo khác đều dựa trên thông tin rò rỉ từ các nguồn ngoại giao và tình báo giấu tên, trong đó, gần đây nhất, tờ Kommersant của Nga và tạp chí Wall Street (Mỹ) nói rằng, thỏa thuận Nga – Syria bao gồm 4 tổ hợp S-300 và 144 quả tên lửa, có giá 900 triệu USD; hoạt động chuyển giao có thể bắt đầu vào cuối mùa hè năm nay. (Các chuyên gia ước tính, một hệ thống S-300 có thể có giá 115 triệu USD, cộng thêm 1 triệu USD mỗi quả tên lửa).


Cả Damascus lẫn tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh của Nga, Rosoboronexport đều chưa bao giờ bình luận về thỏa thuận đồn thổi nói trên. Bộ Ngoại giao Nga thì từng nhắc lại rằng Moscow đang thực hiện nốt các điều khoản của hợp đồng cung cấp vũ khí phòng vệ cho Syria, bao gồm cả các hệ thống phòng không, nhưng chưa bao giờ tiết lộ chính xác chúng là những loại vũ khí nào.


Chính việc thiếu thông tin chính xác này đã dẫn đến những suy đoán mơ hồ: Có thể chẳng có một hợp đồng mua bán S-300 nào. Hoặc đã có một số tổ hợp tên lửa này được chuyển cho Syria bằng đường biển trong 2 năm qua.


2. Ai quyết định thông qua hợp đồng? Cộng đồng quốc tế hay một bên thứ ba nào đó có thể gây ảnh hưởng đến hợp đồng này không?


Không thể bàn cãi gì về việc thương thảo và ký kết hợp đồng vũ khí giữa Moscow và Damascus nằm trong tay của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí vốn đã ít, lại chỉ kiểm soát về vũ khí chiến lược hay bom chùm chứ không bao gồm các hệ thống phòng không. Trong khi đó, những nỗ lực nhằm ngăn cản bán vũ khí cho Syria thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an đều bị Nga cản trở.


3. Tại sao S-300 nguy hiểm? Nó được sản xuất từ năm 1978, thì đến nay có bị lỗi thời hay không?


S-300 đã liên tục được cải tiến do đó nó vẫn là hệ thống phòng không tối tân, “sát thủ” của các chiến đấu cơ và tên lửa đối phương.


S-300PMU2 Favorit có thể cùng lúc phóng tới 6 tên lửa, mỗi quả có khả năng phá hủy các máy bay chiến đấu đang bay ở các thời điểm khác nhau với vận tốc cực đại tương tự như các chiến đấu cơ F-16 và F-22 – biểu tượng sức mạnh của không quân Mỹ và Israel – cũng như có khả năng ngăn chặn cả tên lửa đạn đạo. Chúng có thể bị phá hủy bởi bộ binh đối phương, nhưng đó là một nhiệm vụ rất khó khăn.


Tóm lại, nếu Damascus có S-300, chắc chắn rủi ro và tổn thất cho cho các cuộc không kích nhằm vào Syria sẽ tăng lên rất nhiều.


4. S-300 nhắm tới những mục tiêu nào?


Không thể là lực lượng đối lập ở Syria bởi lực lượng này không sở hữu một chiến đấu cơ nào. Mặc dù S-300 vẫn có thể được lập trình lại nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất, nhưng như thế là quá lãng phí, do chi phí mỗi quả tên lửa dao động từ 700.000-1,2 triệu USD.


S-300 từng được Nga triển khai trong cuộc xung đột tại Abkhazia, Gruzia năm 2010.


Tuy nhiên, bất cứ nỗ lực nào của “lực lượng nước ngoài” muốn áp đặt vùng cấm bay ở Syria, như tại Libya hồi năm 2011, thì kết cục của họ cũng chính là những gì mà Tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko từng miêu tả: “Hàng tá chiến đấu cơ bị phá hủy và những cỗ quan tài được phủ bằng những ‘lá cờ sao” (ám chỉ quốc kỳ Mỹ).


5. Mất bao lâu để chính quyền Assad triển khai và làm chủ được S-300 nếu được bàn giao?


Tổ hợp S-300 có thể được triển khai tác chiến trong vòng 5 phút nhưng với điều kiện phải được điều khiển bởi kíp chiến đấu lành nghề.

Chính phủ Syria có đủ tiền mua, và nếu được bàn giao thì cũng phải mất khoảng 2 tuần để vận chuyển hàng từ St. Petersburg (Nga) đến cảng Tartus (Syria). Tất nhiên, đó là khi tàu chở hàng không bị bắt tại Phần Lan hoặc con tàu không được phép đi vào các cảng của châu Âu do hợp đồng bảo hiểm của nó bị tịch thu – mà cả hai trường hợp trên đều chắc chắn xảy ra nếu có thông tin tàu Nga đang chở vũ khí cho Syria.

Nhưng thậm chí như vậy thì Damascus vẫn có thể “lách luật” để đem S-300 về. Tờ Wall Street Journal, dẫn nguồn tin từ Mỹ và Israel, cho biết các chuyến hàng có thể đến Syria vào tháng 8, trong khi trước đó tờ Al-Quds Al-Arabi (tiếng Arập, có trụ sở tại London) cho rằng, lô hàng hiện đã có mặt tại Syria, và đang được đặt dưới sự giám sát của Nga.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia vũ khí Nga, thì nhà sản xuất S-300 hầu như chắc chắn không còn dư tổ hợp S-300 nào trong kho để chuyển cho Syria. Ông Ruslan Pukhov, Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga cho biết, số tổ hợp S-300 còn lại từ hợp đồng với Iran, vốn bị hủy bỏ từ năm 2010, cũng đã bị các khách hàng khác, như Algeria, "chộp vội" từ lâu.

Điều này có nghĩa cần phải sản xuất hệ thống mới và phóng thử nghiệm, một quá trình phải mất khoảng 1 năm. Hơn nữa, còn cần phải huấn luyện cho hàng chục, thậm chí hàng trăm khẩu đội viên điều khiển hệ thống trong thời gian ít nhất là 6 tháng. Tổng cộng, thời điểm khả quan nhất mà chính quyền Assad có thể sở hữu và làm chủ được hệ thống S-300 sớm nhất cũng phải đến tháng 11 năm nay, hoặc mùa xuân năm 2014.


Thu Hằng

Tên lửa S-300 của Nga có mặt ở Syria
Tên lửa S-300 của Nga có mặt ở Syria

Việc cung cấp các vũ khí phòng không cho Syria được tiến hành một cách bí mật trong 2 năm qua. Hiện trên lãnh thổ Syria có tổng cộng 4 tiểu đoàn S-300, được Nga cung cấp theo thỏa thuận được ký năm 2010.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN