Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh tài chính bấp bênh từ trước khi xảy ra khủng hoảng COVID-19, và tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi các lệnh phong tỏa kinh tế được áp dụng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Những người có thu nhập thấp hơn bị tác động nhiều nhất.
Cuộc thăm dò tiến hành từ ngày 3-6/4, sau khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói cứu trợ trị giá 2.000 tỷ USD nhưng trước khi tiền được chuyển tới từng hộ gia đình. Kết quả cho thấy gần một nửa số người được hỏi cho biết rất khó xoay sở, hoặc chỉ đủ sống. Thống đốc FED Michelle Bowman cho biết: "Số liệu thăm dò cho thấy từ đầu cuộc khủng hoảng y tế công cộng, số người Mỹ phải đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn nhiều hơn so với thời điểm cuối năm 2019".
Báo cáo cho thấy 13% người lao động mất việc làm hoặc phải nghỉ phép trong tháng 2 trong khi 6% phải giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương. Đối với những người có thu nhập dưới 40.000 USD/năm, có tới 39% cho biết đã mất việc, trong khi những người có ít nhất một bằng đại học có nhiều cơ hội giữ việc làm hơn - những công việc cho phép họ làm từ xa. Đáng chú ý là thời điểm thăm dò diễn ra trước khi thấy rõ toàn bộ các tác động của lệnh phong tỏa trong cả tháng 4.
Gần 2/3 những người đã phải thôi việc hoặc giảm giờ làm cho biết đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn trong tháng 4, trong khi 46% không có tiền mặt trong tay để trả 400 USD cho các chi tiêu khẩn cấp. Tuy nhiên, một tin vui là gần như toàn bộ người lao động phải nghỉ phép trong tháng 3 dự kiến sẽ trở lại làm việc, dù hơn 3/4 chưa biết chính xác khi nào sẽ được đi làm.
Dự kiến, Hạ viện Mỹ sẽ thông qua gói cứu trợ trị giá 3.000 tỷ USD trong ngày 15/5 nhằm ứng phó với dịch bệnh và cung cấp tiền mặt cho hàng triệu hộ gia đình để chi trả khẩn cấp. Phát biểu với báo giới ngày 14/5, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết: "Bước tiếp theo của chúng tôi là thông qua dự luật trên. Chúng tôi sẽ làm việc này vào ngày mai".
Tuy nhiên, phe Cộng hòa đã lập tức chỉ trích dự luật trên và cảnh báo văn kiện này sẽ "chết" ngay khi đến cửa Thượng viện, vốn đang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Các lãnh đạo Thượng viện cho biết quỹ khẩn cấp mới do phe Dân chủ đề xuất chưa thực sự cần thiết. Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành thành luật 4 gói biện pháp cứu trợ, trong đó có gói trị giá 2.200 tỷ USD hồi tháng 3, và biện pháp trị giá 483 tỷ USD nhằm "bơm" thêm tiền vào một chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ bị tác động của dịch.
Tuy nhiên, khi hơn 1,4 triệu ca nhiễm đã được ghi nhận tại Mỹ, và số thương vong đã vượt 85.000 người, trong khi nền kinh tế đang "rơi tự do" vì các lệnh phong tỏa kéo dài, đảng Dân chủ kêu gọi tăng hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Biện pháp trên bao gồm đợt chi trả trực tiếp thứ hai cho hầu hết các hộ gia đình - lên tới 6.000 USD/hộ - nhằm giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, khi hơn 36 triệu người Mỹ đã mất việc làm do dịch bệnh.
Biện pháp trên cũng dành riêng gần 1.000 tỷ USD cho các chính quyền bang và địa phương đã cạn kiệt ngân sách vì chống dịch, đồng thời cung cấp khoản chi cho những việc làm có rủi ro cao, như các nhân viên y tế và nhân viên ứng phó khẩn cấp, mở rộng việc xét nghiệm và truy vết virus, tăng cho vay doanh nghiệp nhỏ, tăng hỗ trợ nhà ở và củng cố an ninh lương thực cho các hộ nghèo. Bà Pelosi cho biết dự luật trên cũng cấp tiền cho Dịch vụ Bưu chính Mỹ, trong bối cảnh đảng Dân chủ đang hối thúc mở rộng các lựa chọn bỏ phiếu qua bưu điện trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.