"1.000 đô thị" toàn cầu chung tay vì khí hậu

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu (COP 21), mới đây, tại Tòa thị chính Paris đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các Thị trưởng - đại diện cho 600 triệu cư dân trên thế giới.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (giữa, phía xa) trong cuộc họp với các thành viên Tổ chức phi Chính phủ trong khuôn khổ Hội nghị COP 21 ở Le Bourget, ngoại ô Paris ngày 8/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Sự kiện này được coi là một nỗ lực đáng kể nhất từ trước đến nay để tiếng nói của các đô thị về vấn đề khí hậu được cộng đồng quốc tế lắng nghe.

Hội nghị được tổ chức ngày 4/12 theo sáng kiến của Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và Đặc phái viên Liên hợp quốc về khí hậu - cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg, đánh dấu lần đầu tiên tập thể lãnh đạo các thành phố trên thế giới tổ chức một sự kiện trong khuôn khổ COP.

Tham gia tổ chức sự kiện trên, bên cạnh Mạng lưới các đô thị và đơn vị hành chính địa phương (CGLU) và Nhóm C40 (mạng lưới 80 đô thị lớn thế giới) , còn có ICLEI - mạng lưới quốc tế các sáng kiến sinh thái địa phương, với khoảng 1.200 thành viên trên thế giới.

Gần 1.000 Thị trưởng và đại biểu dân cử các thành phố lớn thuộc nhiều quốc gia, như Rio de Janeiro, London, Berlin, Bắc Kinh, New Delhi…đã ra tuyên bố chung Paris, cam kết chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo; giảm 80% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước năm 2050, trong đó giảm 3,7 tỉ tấn khí thải CO2 trước năm 2030, nhằm duy trì nền nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C (so với thời tiền công nghiệp).

Tuyên bố trên đã được trình lên Chủ tịch COP21 trong khi các nhà đàm phán đang chuẩn bị bước vào tuần lễ đàm phán thứ hai - thời điểm có tính quyết định hướng tới một thỏa thuận toàn cầu chống biến đổi khí hậu.

Theo số liệu thống kê, các đô thị chỉ chiếm 2% diện tích Trái đất, nhưng lại tiêu thụ đến 70% nguồn tài nguyên và phát thải 70% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu “thắng hay thua” nằm ở chính nhân tố đô thị này. Theo giới quan sát, mục tiêu 100% năng lượng tái tạo sản xuất tại chỗ trước năm 2050 là một cam kết mạnh mẽ, có thể mang lại các tác động quan trọng đối với các đàm phán đang diễn ra tại COP21.

TTXVN/Tin Tức
Thỏa thuận cứu Trái Đất sẽ được công bố trưa mai
Thỏa thuận cứu Trái Đất sẽ được công bố trưa mai

Quan chức 195 nước tham dự COP21 đã trải qua phiên họp thâu đêm suốt hai ngày qua nhằm đi đến một thỏa thuận lịch sử giúp ngăn chặn thảm kịch Trái Đất nóng lên, đại diện nước chủ nhà Pháp cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN