10 thảm họa năm 2010 khiến loài người khốn đốn

Năm 2010, những thảm họa nhân tạo và tự nhiên đã gây thiệt hại khoảng 222 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu, gấp 3 lần năm ngoái. Ở châu Á, thiên tai đã thành mối đe dọa thực sự với các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Trong năm nay, các thảm họa lớn đã cướp đi ít nhất 260.000 mạng người trên thế giới, trong đó chỉ tính riêng trận động đất tại Haiti đã làm 222.000 người thiệt mạng. Các vụ thiên tai khác cũng có tỷ lệ thương vong cao bao gồm đợt nắng nóng tại Nga khiến hàng chục người chết và các đợt lũ lụt vào mùa hè vừa qua tại Trung Quốc và Pakistan đã cướp đi sinh mạng của 6.225 người.


Riêng tại châu Á, thảm họa thiên tai đã trở thành mối đe dọa thực sự với Các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về giảm đói nghèo và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục vào năm 2015.


Hậu quả của thảm họa thiên tai năm nay đã gây thiệt hại nặng nề hơn năm ngoái, trong khi số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm nghiên cứu dịch tễ học của các thảm họa (CRED) cho biết trong năm 2009, châu Á chiếm khoảng 40% trong tổng số hơn 330 vụ thiên tai trên toàn thế giới song số nạn nhân chiếm tới 89%, và thiệt hại do thảm họa đã tăng lên tới gần 1.000 tỷ USD so với mức 75,5 tỷ USD vào thập niên 1960, và 85% dân số tại các nước đang phát triển trên toàn thế giới phải hứng chịu động đất, bão, lũ lụt và hạn hán.


Tại Mỹ Latinh và Caribean, gần 100 thảm họa thiên nhiên lớn xảy ra trong năm nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 223.000 nghìn người, ảnh hưởng đến 13,8 triệu người khác và gây thiệt hại vật chất lên đến 49,4tỷ USD. Dưới góc độ kinh tế, Chilê là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tại gây ra trong năm do trận động đất lịch sử 8,8 độ Richter, tiếp theo là Haiti với trận động đất 7 độ Richter gây thiệt hại vật chất gần 8tỷ USD.


Hội nghị về biến đổi khí hậu diễn ra ở Cancun (Mexico) những ngày đầu của tháng cuối cùng của năm chỉ đạt được một thoả thuận đủ để cứu vãn tiến trình đối thoại chứ chưa cứu được vấn đề khí hậu. Trong khi đó, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới cảnh báo hiểm họa trước tiên đe dọa nền văn minh nhân loại chính là khí hậu của Trái Đất đang ngày càng biến đổi - mà nguyên nhân chính là do con người gây ra.


Sau đây là 10 thảm họa gây hậu quả nặng nề nhất trong năm:


1. Thời tiết thay đổi, thế giới khốn đốn vì hạn hán, lũ lụt




Hạn hán đe dọa cuộc sống của 65 triệu người ở 6 nước dọc sông Mê Kông

Từ đầu năm tới nay, rất nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang phải gánh chịu đợt hạn hán nghiêm trọng bất thường do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra, khiến hàng chục triệu người dân mưu sinh dọc các con sông bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Những tháng đầu năm, hạn hán nghiêm trọng đã khiến mực nước sông Mê Kông giảm xuống mức thấp nhất trong gần 20 năm qua, làm đình trệ các hoạt động giao thông trên tuyến đường thủy quan trọng của châu Á này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế mưu sinh của 65 triệu người ở 6 quốc gia dòng sông này chạy qua.


Tại Trung Quốc, nhiều khu vực,đặc biệt là các tỉnh ở phía Tây Nam, đã phải trải qua những ngày khô hạn nghiêm trọng nhất thế kỷ qua. Ở Pakistan, nhất là tại Southern Punjab, đất đai nứt nẻ và sông ngòi cạn trơ đáy. Thay đổi khí hậu đang đe dọa nhiều khu vực ở vùng Trung Á rộng lớn như Tajikistan mà cả ở các nước hạ nguồn Uzbekistan và Turkmenistan. Nga đã gọi đây là “mối quan ngại thực sự” và lo ngại thay đổi khí hậu ở Trung Á đe dọa Nga từ phía Nam

2. Động đất kinh hoàng tại Haiti




Haiti hứng chịu trận động đất tồi tệ nhất trong vòng 2 thế kỷ qua


Ngày 12/1, chỉ trong nháy mắt, hàng nghìn người đã thiệt mạng và mất tích trong vụ động đất mạnh nhất ở Haiti từ năm 1887 đến nay. Rung chấn từ trận động đất mạnh 7 độ Richter đã tạo nên một làn sóng phá hủy ghê gớm, hạ gục cả những công trình vững chắc nhất ở thủ đô Haiti.


Theo các chuyên gia, trận động đất ở Haiti có sức tàn phá mạnh bởi tâm chấn nằm gần mặt đất làm tăng mức độ rung lắc, lại chỉ cách Port-au-Prince chưa đầy 16km. Cơ quan khảo sát địa chất Anh quốc đánh giá trận động đất tại Haiti có tác động "hủy diệt" và có sức mạnh tàn phá tương đương 10 độ Richter.


3. Động đất ở Chile - mạnh gấp 1.000 lần ở Haiti



Trận động đất ngày 27/2 ở Chile đã gây ra sự tàn phá rất lớn

Mạnh hơn trận động đất ở Haiti 1.000 lần, trận động đất ngày 27/2 ở Chile đã gây ra sự tàn phá rất lớn, khi những dư chấn mạnh lan khắp Nam Mỹ. Là một trong những trận động đất dữ dội nhất trong lịch sử thế giới, sức tàn phá của nó rất kinh khủng. Gần 1.000 người chết và mất tích, cảnh báo sóng thần được ban bố khắp khu vực vành đai Thái Bình Dương. Các chuyên gia cũng cho biết sở dĩ con số thương vong ở Chile thấp hơn Haiti, dù động đất mạnh hơn rất nhiều, đơn giản là do nước này đã chuẩn bị đối phó với động đất tốt hơn.


Riêng trận động đất ở Chile đã khiến ngành bảo hiểm phải chi trả số tiền lớn nhất, lên tới 8 tỷ USD, trong khi thiệt hại kinh tế cho Chile sau thảm họa này là khoảng 30 tỷ USD.


4. Thảm họa môi trường khủng khiếp nhất ở Mỹ



Hậu quả thấy rõ của vụ tràn dầu


Vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico là thảm họa môi trường khủng khiếp nhất mà Mỹ từng phải đối phó: ít nhất 43 triệu gallon dầu đã tràn ra đại dương kể từ khi giếng dầu Deepwater Horizon bốc cháy và chìm xuống biển trong tháng 4, lớn hơn rất nhiều con số 11 triệu gallons dầu do tàu Exxon Valdez gây ra vào năm 1989.


Tổng thống Obama đã phả chỉ đạo thực hiện một chiến dịch có quy mô chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ để đối phó với một thảm họa sinh thái, huy động tới hơn 19.000 chiếc tàu, với 20.000 người tham gia dọn dầu loang.


Nhưng các nhà khoa học độc lập và các viên chức Mỹ nói có một thảm họa chúng ta không thể thấy ở vịnh Gulf of Mexico do vụ dầu tràn gây ra vì nó quá sâu. Hai “đám mây khổng lồ”, sâu vài trăm mét và kéo dài nhiều dặm đã thành hình dưới đáy biển. Đó là dầu và chắc chắn nhiều loài sinh vật sẽ bị ảnh hưởng.


5. Cháy khắp phần châu Âu của Nga, thiệt hại hàng trăm tỷ USD



Hình ảnh vệ tinh khoanh vùng các điểm có cháy rừng

Hồi tháng 8, thảm họa cháy rừng ở miền trung nước Nga xảy ra trên diện rộng, từ miền Trung lan sang miền Nam, đúng vào đợt nước này phải đối phó với đợt nắng nóng nhất trong hơn 100 năm.

Hàng chục người đã thiệt mạng, hàng nghìn người không còn sản nghiệp, nhiều căn cứ quân sự và cơ sở hạt nhân bị đe dọa vì cháy rừng. Hơn 160.000 người, với sự hỗ trợ của nhiều nước, đã được huy động để dập lửa ở hàng trăm đám cháy trong nhiều ngày.

Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nga ước tính tổng diện tích rừng đã bị "giặc lửa" thiêu trụi từ đầu năm đến nay là 10-12 triệu hécta, gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga ít nhất 300 tỷ USD. Đó là một tổn thất vô cùng to lớn, chưa kể đến những yếu tố khác về môi trường như hủy hoại một số lượng lớn các loài động, thực vật quý hiếm và hệ sinh thái rừng.


6. Lũ lụt khủng khiếp ở Pakistan



Lũ lụt ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 20 triệu người ở Pakistan


Trận lụt dữ dội nhất trong lịch sử Pakistan hồi tháng 8 đã tàn phá nước này trên diện rộng, từ vùng Tây Bắc đến miền Nam, cướp đi sinh mạng của 1.600 người, ảnh hưởng tới 20 triệu người, gây thiệt hại vật chất ít nhất 43 tỷ USD, châm ngòi cho dịch bệnh-bạo lực bùng phát ở đất nước đang phải vật lộn để chống lại những phần tử cực đoan và khủng bố. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết đợt lụt này là thiên tai kinh khủng nhất mà ông từng chứng kiến, và ước tính phải mất nhiều năm mới có thể khắc phục được hậu quả.


7. Lũ bùn đỏ gây ô nhiễm chưa từng có ở Hungary




Bùn độc nhuộm đỏ cả một vùng rộng lớn trước khi đổ ra sông


Dòng Danube xanh có nguy cơ bị nhuộm đỏ, các sinh vật sẽ bị giết chết, nhiều quốc gia châu Âu khác sẽ bị liên lụy… Các chuyên gia cảnh báo ảnh hưởng của vụ bùn đỏ xảy ra hôm 4/10 ở Hungary làm 7 người chết, hơn 100 người bị thương và khiến khoảng 1 triệu m3 bùn đỏ độc hại tràn ra ngoài, gây ô nhiễm nghiêm trọng các mạch nước ngầm cũng như sự phát triển của hệ động thực vật trong vùng.


Lượng bùn đỏ ở môi trường xung quanh nhà máy đã vượt giới hạn cho phép, khiến hàng trăm người sống quanh khu vực này phải sơ tán hoặc dùng thiết bị bảo hộ, nhiều vùng đất không thể trồng trọt được.


Đây là một thảm hoạ sinh thái mà Hungary chưa từng kinh qua và được cho là thảm họa sinh thái lớn nhất trong lịch sử chế biếnnhôm và Alumin mà thật trớ trêu lại xảy ra tại một quốc gia có truyền thống và giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.


8. Động đất, lở đất ở Trung Quốc



Hiện trường vụ lở đất kinh hoàng ở Chu Khúc


Trận động đất 7,1 độ Ríchte tại huyện Ngọc Thụ (thuộc tỉnh Thanh Hải) trung tuần tháng 4 đã để lại hậu quả quá lớn cho khu vực có tới hơn 100.000 dân này khi cướp đi sinh mạng hơn 2.000 người và làm hàng chục nghìn người bị thương. 85% số nhà cửa tại thị trấn Kết Cổ, gần tâm chấn, bị san phẳng và nhiều tòa nhà lớn bị rạn nứt.


Trong khi đó, lở đất do mưa lớn, lũ lụt ở huyện Chu Khúc thuộc tỉnh Cam Túc vào ngày 14/8 làm 1.239 người đã thiệt mạng và 588 người khác vẫn mất tích. Lở đất làm cho ít nhất toàn bộ một ngôi làng bị vùi hoàn trong đống bùn đất, những dòng sông sâu đầy bùn đặc và đá. Ít nhất 50.000 người bị ảnh hưởng hậu quả trận lở đất do mưa lớn gây ra này.


9. Thảm hoạ kép ở Indonesia


Những sinh viên sống sót vừa thoát khỏi toà nhà bị sập trong trường


Xảy ra trong những ngày cuối cùng của tháng 10. Động đất mạnh 7,7 độ richter và sóng thầntại khu vực quần đảo Mentawai thuộc tỉnh Tây Sumatra đã làm gần 1.000 người thiệt mạng. Tại khu vực quần đảo Mentawai thuộc tỉnh Tây Sumatra, nơi phải hứng chịu sóng thần cao 2-8 mét, số người chết được thống kê là 413 và 298 người mất tích, trên 310 người bị thương, trong đó khoảng 270 người bị thương rất nặng và hàng nghìn người mất nhà cửa và tài sản.


Trong khi đó, núi lửa Merapi phun trào suốt hơn 20 ngày, bắt đầu từ những ngày cuối tháng 10, ở tỉnh Tây Java đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 300 người, làm hơn 400.000 người phải sơ tán, gây thảm hoạ lớn trong vùng và khu vực lân cận: đất canh tác và rừng hoàn toàn bị phá hủy, các ngành kinh tế như du lịch, nông nghiệp,... đều bị tổn thất, hàng loạt chuyến bay trong khu vực bị hủy.


Núi lửa phun khói bụi với tốc độ 300 km/h và cao tới 1,5-3 km và dòng nham thạch nóng tới trên 600 độ C. Một số nhà kinh tế học Indonesia nhận định tổng thiệt hại từ sự "tỉnh giấc" của Merapi có thể lên tới 5 nghìn tỉ Rp và phải mất từ 3 đến 5 năm mới có thể phục hồi cuộc sống cho người dân các vùng bị ảnh hưởng.


10. Núi lửa Iceland gây thiệt hại hàng tỷ USD cho hàng không thế giới



Núi lửa Iceland phun trào

Chủ tịch tổ Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nói rằng tác động kinh tế của vụ núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland phun trào hồi tháng 4 đối với ngành hàng không lớn hơn thiệt hại của các vụ tấn công 11 tháng 9/2001, khi không phận của Mỹ bị đóng trong 3 ngày.


Liên tục trong những ngày trung tuần tháng 4, núi lửa này tiếp tục hoạt động mạnh, tạo ra những đám tro bụi khổng lồ đã buộc phần lớn các sân bay ở châu Âu phải đóng cửa khiến hàng nghìn chuyến bay bị hủy và hàng triệu hành khách bị mắc kẹt.


Hoạt động của núi lửa còn gây ảnh hưởng tai hại cho những khu vực ở thật xa như châu Phi, Trung Quốc và Nhật Bản, những nơi mà từ đó sản phẩm đã không thể vận chuyển sang châu Âu vì các đám mây tro. IATA cảnh báo hoạt động của núi lửa Iceland gây thiệt hại ít nhất 200 triệu ơrô/ngày cho các hãng hàng không trên thế giới.



Theo Dân trí

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN