Công ty TNHH may Tinh Lợi, tại Khu công nghiệp Lai Vu, huyện Kim Thành (Hải Dương). Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Hãng kiểm toán Price Waterhouse Coopers (PwC, Mỹ) trong báo cáo nghiên cứu về tác động tiềm năng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với nền kinh tế Malaysia và các ngành kinh tế trọng điểm, nhận định rằng nếu không tham gia TPP, Malaysia có thể mất khả năng cạnh tranh về ngành dệt may, điện và điện tử so với các nước tham gia TPP khác, ví dụ như Việt Nam.
Các phát hiện của báo cáo chỉ ra rằng nếu tham gia TPP, GDP của Malaysia dự kiến sẽ tăng khoảng 107-211 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2027 và hoạt động kinh tế phát sinh từ TPP có thể sẽ tạo ra từ 1-2 triệu việc làm vào năm 2027. Tham gia TPP, các công ty xuất khẩu trong ngành dệt may, linh kiện ô tô, điện và điện tử sẽ hưởng lợi từ việc tiếp cận thị trường lớn hơn, trong khi các công ty trong những ngành sẽ tự do hóa thương mại cao hơn sau TPP như năng lượng, xây dựng và bán lẻ có thể phải đối mặt với cạnh tranh gia tăng.
Các doanh nghiệp của người bản địa (Bumiputeras) và các doanh nghiệp nhỏ sẽ được bảo hộ ở mức độ lớn và cơ chế doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ xây dựng đất nước có thể sẽ thay đổi.
Ngoài ra, PwC cũng cho rằng nếu tham gia TPP, Thỏa thuận dàn xếp tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước (ISDS) sẽ bảo vệ các khoản đầu tư đến và đi từ Malaysia, trong khi vẫn giữ quyền kiểm soát của chính phủ trong việc thiết lập các chính sách phúc lợi xã hội, và việc áp dụng các quyền của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có thể làm tăng nguy cơ gián đoạn sản xuất phát sinh từ tranh chấp lao động.
Trong khi đó, nếu không tham gia TPP, GDP của Malaysia dự kiến giảm từ 9-16 tỷ USD và đầu tư dự kiến giảm từ 7-13 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2027. Các doanh nghiệp Malaysia không thể được hưởng lợi từ việc tăng cường tiếp cận thị trường khi có cơ hội xuất khẩu và đầu tư. Các ngành như dệt may có thể sẽ bị mất khả năng cạnh tranh với các nước thành viên TPP khác, ví dụ như Việt Nam.
Báo cáo của PwC cũng cho biết, nếu không tham gia TPP, các cơ chế hiện tại cho các doanh nghiệp nhà nước để hỗ trợ chương trình xây dựng quốc gia của Malaysia sẽ vẫn duy trì như vậy và chính sách cho người Bumiputera và các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ vẫn nguyên trạng.