Tổng thống Mỹ Barrack Obama muốn TPP được Quốc hội thông qua càng sớm càng tốt và đặt mục tiêu là vào tháng 4/2016. Nhưng người ta đang nói đến khả năng TPP sẽ bị chậm trễ thông qua do cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào năm sau. Bà Hillary Clinton, ứng cử viên chạy đua vào chiếc ghế tổng thống đã lên tiếng phản đối TPP và đây là đại diện cho tiếng nói của một bộ phận trong đảng Dân chủ. Ngoài ra, ông Obama cũng nên tính đến một khả năng khác, sắp đặt để TPP có thể được thông qua trong phiên họp của Quốc hội “vịt què” vào tháng 12 năm tới, sau cuộc bầu cử tổng thống.
Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP họp báo chung. Ảnh: Thanh Tuấn - P/v TTXVN tại Mỹ |
Việc Australia và Mỹ đạt được thỏa thuận về thời hạn bảo hộ độc quyền dược phẩm xuống còn 5 năm thay vì 12 năm như trước đây được coi là thắng lợi của Australia. Trước đó, TPP có nguy cơ đổ vỡ vì đây là bất đồng chính giữa Mỹ, nước muốn thuốc được bảo hộ lâu hơn và Australia, nước có quan điểm cho rằng việc bảo hộ thuốc trong thời gian dài sẽ gây sức ép lên ngân sách y tế quốc gia, gây tốn kém cho người bệnh và hạn chế khả năng sáng tạo, đổi mới. Để TPP có thể được thông qua ở cả Thượng viện và Hạ viện Australia, Chính quyền Thủ tướng Malcolm Turnbull cần sự ủng hộ của Công đảng đối lập. Đảng này tuyên bố ủng hộ tự do hóa thương mại nhưng cần nghiên cứu kỹ văn bản TPP trước khi quyết định có ủng hộ hiệp định này hay không.
Trong trường hợp có sự đồng thuận chính trị ở cả 12 nước, TPP sẽ mang lại một số lợi ích thiết thực. Australia, New Zealand sẽ có quyền tiếp cập tốt hơn thị trường nông nghiệp Nhật Bản, ngoài những hiệp định thương mại song phương đạt được hồi năm ngoái. Thị trường đường của Mỹ sẽ được mở rộng trong khi các lĩnh vực quan trọng khác như sản xuất và dịch vụ cũng sẽ dễ dàng được tiếp cận.
Trong khi tiếp cận thị trường là vấn đề gây tranh cãi nhất trong các cuộc đàm phán, thành quả lớn nhất sẽ đến từ các quy tắc và tiêu chuẩn mới nhằm thúc đẩy thương mại trong thế kỷ 21. TPP chưa phải là mục tiêu cuối cùng nhưng nên được xem là một bước tiến quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế, tăng thu nhập và tạo việc làm. Nhiều thị trường khác ở cả bên trong và bên ngoài TPP sẽ được hưởng lợi từ cơ hội tiếp cận cho tới cạnh tranh quốc tế. Song cùng với đó, TPP cũng sẽ làm nảy sinh một số vấn đề cần được giải quyết.
Chẳng hạn như, lợi ích kinh tế chủ yếu đối với Việt Nam xuất phát từ việc tiếp cận thị trường quần áo và dệt may của Mỹ - một thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và là nơi đem lại nhiều lợi nhuận. Nhưng tiếp cận thị trường Mỹ đòi hỏi vật liệu và đầu vào phải có nguồn gốc từ bên trong các nước TPP; chứ không phải đến các nước bên ngoài TPP như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ... Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến ngành dệt may mà còn các lĩnh vực thương mại khác nữa của Việt Nam.
Châu Á và các nước TPP không nên phớt lờ sức nặng kinh tế và thương mại của Trung Quốc. Không có doanh nghiệp lớn nào ở khu vực này lại không có yếu tố Trung Quốc trong đó. Ngoài ra, việc ASEAN và 6 quốc gia (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand) đang tham gia đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể sẽ chiếm thị phần lợi ích ở châu Á lớn hơn TPP vì nó có sự tham gia của những nhân tố năng động nhất trong nền kinh tế toàn cầu. Việc đưa RCEP đi đúng hướng để giảm bớt sự thay đổi thương mại do TPP và các hiệp định khác tạo ra, đồng thời giúp Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia và các nước khác ở châu Á thúc đẩy cải cách trong nước và cởi mở hơn, hiện là ưu tiên hàng đầu.
Có ý kiến cho rằng TPP dường như dành cho Mỹ và Nhật Bản và là một thỏa thuận thương mại tự do song phương nhằm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Nếu hiệp định này không thể có hiệu lực thi hành, hoặc đổ vỡ vì lý do nào đó, nó sẽ là một thảm họa lớn đối với quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản ở châu Á, từ đó ảnh hưởng đáng kể tới khu vực Thái Bình Dương.