Dù đã hơn 30 tuổi, anh Sùng Văn Lành (người dân tộc H’mông, tại thôn 11, xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’long, Đắk Nông) vẫn chưa biết đọc, biết viết. Theo cha mẹ từ ngoài Bắc vào sinh sống tại địa phương đã hơn 20 năm, do hạn chế về đọc, viết, anh Lành rất e ngại khi tiếp xúc cán bộ địa phương. Để làm các thủ tục hành chính, anh đều nhờ người khác giúp đỡ.
“Không biết chữ xấu hổ lắm, đi đâu cũng ngại, làm việc gì cũng nhờ người khác. Không biết chữ, ai nói gì cũng nghe vậy, tin là chính, có bị lừa cũng chịu”, anh Lành chia sẻ.
Theo ông Vi Văn Thuộc, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa, với đặc thù xã đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số (đồng bào H’mông chiếm 79%), việc mù chữ đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều mặt của địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động người dân về các chính sách gặp nhiều hạn chế do phải có người phiên dịch. Bên cạnh đó, việc tổ chức các lớp xóa mù chữ gặp nhiều khó khăn, bà con chủ yếu là nông dân ngày đi làm công, tối về nghỉ ngơi nên cũng hạn chế trong việc xóa mù chữ.
Theo thống kê, Đắk G’long là huyện có tỷ lệ người mù chữ cao nhất tại Đắk Nông. Huyện có hơn 45.300 nhân khẩu từ 15 - 60 tuổi, trong đó số người mù chữ ở mức độ 1 (chưa hoàn thành lớp 3) là 4.550 người (chiếm 10%); mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành lớp 5) trên 7.100 người (chiếm 15,9%). Tình trạng người dân mù chữ kéo dài đã trở thành vấn đề nhức nhối tại địa phương.
Ông Lê Đại Thành, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk G’long cho biết, để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo các cấp bố trí kinh phí mở các lớp xóa mù chữ. Từ năm 2013 đến nay, huyện đã tích cực phối hợp với các ban, ngành điều tra, huy động và tổ chức được 8 lớp xóa mù chữ cho các đối tượng từ 15-60 tuổi với 271 học viên.
Không chỉ ở huyện Đắk G’long, tình trạng mù chữ còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác trong tỉnh. Theo thống kê, đến năm 2021, tổng dân số của tỉnh có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi là hơn 464.000 người; trong đó, số người biết chữ chiếm 94,1%, cao hơn năm 2020 là 0,9%. Số người trong các độ tuổi tăng lên, kéo theo tỷ lệ người mù chữ của tỉnh cao so với chỉ tiêu của cả nước. Người mù chữ tập trung chủ yếu ở vùng biên giới, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng mù chữ tăng là do tình hình phát triển kinh tế, xã hội đang gặp một số khó khăn nhất định, tình trạng dân di cư không theo quy hoạch đang có diễn biến phức tạp… Ở một số xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, dân cư sống không tập trung, có nhiều điểm trường lẻ, lớp ghép, việc nâng cao chất lượng giáo dục còn hạn chế. Việc mở các lớp xóa mù chữ chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc huy động mở lớp xóa mùa chữ còn gặp nhiều khó khăn nhất định…
Ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh ban hành đề án về kế hoạch xây dựng xã hội học tập trong đó xây dựng các giải pháp như: Phối hợp các cấp, ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu tầm quan trọng, ý nghĩa công tác xóa mù chữ, đặc biệt quan tâm con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em gái. Ngành bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để tích cực trong công tác vận động, có sự cống hiến thật sự trong công tác xóa mù chữ; quan tâm đầu tư thêm cơ sở vật chất, tăng cường công tác xã hội hóa hỗ trợ học sinh có điều kiện khó khăn có nguy cơ bỏ học.