Trà Vinh: Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông khu vực ấp Bà Trầm

UBND tỉnh Trà Vinh vừa quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Cổ Chiên khu vực ấp Bà Trầm, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành.

Đây là khu vực có công trình nhà làm việc, nơi ở và để trang thiết bị, tàu, ca nô phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn của chiến sĩ thuộc lực lượng Biên phòng.

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố sạt lở khu vực này, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cắm biển báo, cảnh báo khu vực sạt lở, thông báo về tình hình sạt lở để chiến sĩ, người dân biết, chủ động trong sinh hoạt, sản xuất, đề phòng nguy cơ rủi ro. Đồng thời có biện pháp bảo vệ tài sản, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện tại chỗ để chủ động xử lý khi sự cố sạt lở uy hiếp an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức khảo sát, triển khai các giải pháp phi công trình và công trình xử lý sạt lở, bảo vệ tài sản, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, bảo đảm an toàn cho chiến sĩ, người dân trong khu vực, bảo vệ sản xuất và dân sinh theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Văn Dũng cho biết, tình hình sạt lở không chỉ xuất hiện trong mùa mưa bão mà còn xảy ra trong cả mùa khô, gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Công trình nhà ở, nơi làm việc và để tàu, ca nô tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tỉnh Trà Vinh được xây dựng và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2019. Những năm gần đây, tác động của triều cường đã làm khu vực này sạt lở nghiêm trọng, với tổng chiều dài khoảng 100 m, trong đó có 2 đoạn tiếp giáp trực tiếp với sông Cổ Chiên. Mỗi đoạn bị sạt lở khoảng 20 m và 60 m và là khu vực để tàu, ca nô. Sạt lở tại 2 đoạn tiếp giáp với sông Cổ Chiên ăn sâu vào bờ khoảng 10 m, dẫn đến nguy cơ làm ảnh hưởng công trình nhà ở và nơi để trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, các hoạt động neo đậu, di chuyển tàu, ca nô cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời làm ảnh hưởng đến việc sản xuất, nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân gần đó.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, Trung ương và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, đầu tư các công trình phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, xây kè, đê bảo vệ các đoạn xung yếu, triển khai các dự án chống xói lở, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển… Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn tiếp diễn và ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nhất là những khu vực có nền địa chất yếu. Từ năm 2010-2023, toàn tỉnh xảy ra 246 điểm sạt lở với tổng chiều dài 77,7 km; gây sụt lún trên 21.500 m2 kè; ảnh hưởng nhiều nhà dân, thiệt hại hàng trăm ha lúa, hoa màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản… với tổng mức thiệt hại ước gần 334 tỷ đồng.

Hiện nay, địa bàn tỉnh Trà Vinh đang có 48 điểm, khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài khoảng 214 km cần khắc phục khẩn cấp. Trong đó, 44 khu vực sạt lở bờ sông với tổng chiều dài gần 200 km, ước kinh phí khắc phục khoảng 4.325 tỷ đồng, 4 khu vực sạt lở bờ biển tổng chiều dài hơn 15 km, ước kinh phí khắc phục khoảng 1.518 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Hẳn, do nguồn lực của địa phương hạn chế nên UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị Bộ, ngành Trung ương và Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn cho tỉnh khắc phục sự cố sạt lở.

Thanh Hòa (TTXVN)
Người dân bất an vì sạt lở bờ sông
Người dân bất an vì sạt lở bờ sông

Thị xã Giá Rai được xem là một trong những điểm nóng về sạt lở bờ sông của tỉnh Bạc Liêu. Người dân sống dọc theo các tuyến sông luôn trong tâm trạng bất an vì sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN