Tính lại bài toán cây lúa ở Tây Nam Bộ

Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, thời tiết khắc nghiệt, sản xuất nhỏ lẻ, giá lúa bấp bênh... khiến sản lượng cũng như năng suất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có chiều hướng giảm. Thế mạnh của ĐBSCL đang bị suy yếu, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân và uy hiếp cả vấn đề an ninh lương thực nếu không sớm có giải pháp hiệu quả, bền vững để phát triển cây lúa ĐBSCL.

Năng suất, sản lượng giảm

Cây lúa là thế mạnh lâu nay của ĐBSCL đang mất dần khi thu nhập của người trồng lúa không bằng những loại cây ăn quả, cây hoa màu khác trên vùng đất Nam Bộ. Người trồng lúa đang phải đối mặt với những biến đổi khắc nghiệt của khí hậu và tình trạng thiếu nước ngọt.

Nông dân Kiên Giang gieo sạ 90.000 ha lúa vụ thu - đông.


Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, năng suất lúa toàn vùng năm nay đạt 62,7 tạ/ha, giảm 1,5 tạ/ha so với vụ đông xuân trước và giảm ở hầu hết các tỉnh trong vùng. Nguyên nhân được xác định là do ảnh hưởng của thời tiết, tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng tiến độ gieo trồng vụ đông xuân năm ngoái. Các chuyên gia dự báo, vụ hè thu 2017 sẽ gặp khó khăn do tình hình nắng nóng kéo dài và diễn biến thời tiết khá phức tạp.

Tại Kiên Giang, vùng lúa trọng điểm của vùng ĐBSCL, vụ lúa đông xuân, toàn tỉnh gieo trồng 308.792 ha, năng suất bình quân chỉ đạt 6,16 tấn/ha, thấp hơn gần 1 tấn/ha so với vụ đông xuân năm trước. Sản lượng lúa của cả 2 vụ đến nay ước đạt hơn 2 triệu tấn, giảm gần 333.000 tấn so với kế hoạch.

Theo TS Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN &PTNT Kiên Giang, nguyên nhân là do thời tiết nắng hạn và xâm nhập mặn cục bộ đầu vụ khiến gần 21.000 ha lúa vụ mùa và hơn 14.000 ha lúa đông xuân ở huyện An Biên và An Minh bị thiệt hại. Trong đó có trên 10.000 ha bị mất trắng, còn lại thiệt hại từ 30 - 70%. Tình hình dịch bệnh cũng có những diễn biến bất thường, khiến gần 29.000 ha diện tích lúa bị nhiễm muỗi hành, với mức gây hại từ trung bình từ 10 - trên 20%. Chỉ tiêu sản xuất trên 4,5 triệu tấn lương thực năm 2017, nhiều khả năng sẽ khó đạt.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, diện tích gieo trồng cũng giảm mạnh so với cùng kỳ, tình hình sâu bệnh, dịch hại lại diễn biến phức tạp. Hàng chục ngàn ha lúa khu vực An Giang bị bệnh rầy nâu, đạo ôn, sâu cuốn lá, bệnh lem lép hạt và chuột hại. Năng suất lúa tại Đồng Tháp giảm mạnh do tình trạng nắng nóng kéo dài. Hàng nghìn ha lúa bị thiệt hại nặng, có nơi phải gieo sạ lại do thời tiết thất thường và dịch rầy nâu, đạo ôn...

Có thể năng suất, sản lượng lúa năm nay giảm là hiện tượng cá biệt, bất thường, chưa phải là tình trạng chung và phổ biến nhưng những năm tiếp theo sẽ là dấu hiệu cho thấy một xu hướng tất yếu được dự báo trước từ nhiều năm nay. Thực trạng thời tiết diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn khu vực ven biển, lũ muộn, không lũ đầu nguồn, mưa nắng bất thường, nguồn nước ngọt ngày một ít đi... là những vấn đề bất lợi lớn đã và đang xảy ra ở ĐBSCL, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất lúa gạo.

Khảo sát của ngành nông nghiệp cho thấy, từ đầu năm đến nay, xâm nhập mặn, khô hạn vùng các cửa sông khu vực ĐBSCL đã ăn sâu vào đất liền từ 35 - 45 km. Trong khi đó, lượng nước ngọt từ thượng nguồn ngày càng thấp. Trong vòng 5 năm trở lại đây, An Giang gần như không còn mùa nước nổi. Lượng nước ngay đỉnh mùa nước nổi (tháng 7, tháng 8 âm lịch) tại khu vực đập tràn kiểm soát lũ Tha La, Trà Sư giữa trong và ngoài đập cũng chỉ khoảng 1m nước. Trong khi những năm trước đây, khu vực này phải liên tục xả đập để điều tiết, kiểm soát lũ thì hiện nay, đập chỉ còn thực hiện nhiệm vụ cung ứng nước tháo chua rửa phèn.

Đánh giá về những khó khăn này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thực tiễn đang diễn ra trong những năm qua cho thấy ngành hàng lúa gạo đang đối mặt với những thách thức to lớn, đe dọa tới sự phát triển bền vững, sự sống còn của một ngành hàng gắn bó với hàng chục triệu người dân.

“Tác động của biến đổi khí hậu, khô hạn, nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt đã hiện hữu và xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn so với kịch bản mà chúng ta đã dự đoán, cùng với đó là sự thay đổi căn bản về nguồn nước ở thượng nguồn sông Mê Kông do hoạt động kinh tế của các quốc gia đầu nguồn. Những hạn chế trong nội tại của ngành cũng làm giảm năng lực cạnh tranh, chưa tạo được vị thế vững chắc của hạt gạo Việt trên thương trường, các vấn đề về khoa học công nghệ, chọn tạo và sản xuất giống lúa, các quy trình canh tác tổng hợp và trên hết đó là hiệu quả của sản xuất thấp”, ông Nguyễn Xuân Cường nhận định.

Tìm hướng ra bền vững

Từ thực tế một số mô hình có thể thấy hướng ra cho cây lúa ở ĐBSCL là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, cải tạo nguồn gen để thích ứng với những thay đổi khí hậu và thực hiện việc “liên kết 4 nhà” trong sản xuất.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây nông dân thành phố Cần Thơ tại các quận như Ô Môn, Thốt Nốt đã chuyển sang trồng mè (vừng) trên những diện tích trồng lúa vụ ba không hiệu quả, đem lại lợi nhuận khá.

Một trong những mô hình khá thành công ở An Giang là việc xây dựng chuỗi giá trị hạt gạo như một bước gắn liền với mô hình cánh đồng mẫu lớn. Theo ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, chương trình sản xuất lúa gạo bền vững, gọi tắt là SRP là bộ tiêu chuẩn có các chỉ số đo lường cụ thể, nhấn mạnh đến các yếu tố kinh tế - xã hội, môi trường, với tầm nhìn phát triển bền vững, trong đó chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, giảm thiểu khí thải nhà kính.

Khi thực hiện tiêu chuẩn SRP sẽ giúp hoạt động sản xuất lúa gạo có được ba lợi ích: Nông dân thực hành hiệu quả hơn, tiếp cận được chuỗi cung ứng minh bạch, việc sản xuất sạch giúp bảo đảm các yếu tố về y tế và môi trường. Nhà sản xuất kiểm soát được chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro, gia tăng mức độ thu hồi sản phẩm. Nâng cao thương hiệu, tăng cường lòng tin của khách hàng, nâng cao quyền thương lượng đối với nhà bán lẻ và sẽ bán được sản phẩm với giá cao hơn.

Với mô hình này, Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết 25.000 nông hộ, tổ chức lại sản xuất, cung cấp giống, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho nông dân và xây dựng thành những cánh đồng lớn với quy mô 60.000 ha/năm. Gạo thương phẩm được chế biến từ hệ thống 5 nhà máy với công nghệ tiên tiến, cung cấp ra nhiều sản phẩm gạo cho thị trường nội địa và quốc tế với chất lượng cao và truy xuất được nguồn gốc.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh diễn biến thời tiết bất lợi với biến đổi khí hậu và thị trường thế giới có những biến động thì cây lúa Việt Nam đã có hướng mở mới với chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững với mô hình liên kết cánh đồng lớn, HTX nông nghiệp kiểu mới của Tập đoàn Lộc Trời đưa hạt lúa vào quy trình sản xuất khép kín. Đó là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, giá trị cao. 

Mô hình cánh đồng lớn của Tập đoàn cũng tạo nên chuyển biến mới trong sản xuất lúa gạo tập trung, quy mô lớn. Hình thành chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững, các trung tâm chế biến công suất hàng trăm nghìn ha, thực hiện bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho người nông dân, tạo ra chuỗi giá trị từ giống đến hạt gạo xuất khẩu được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt theo hướng hữu cơ, sạch và giá trị cao.

Ngoài việc triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả, TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ cần có nhiều giải pháp chiến lược và đồng bộ, riêng đối với cây lúa ở vùng ĐBSCL, giải pháp “ liên kết vùng và tham gia 4 nhà” là rất quan trọng. Việc liên kết sẽ giúp triển khai ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống nhằm tìm ra giống lúa cho năng suất cao ổn định, phẩm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chuyển giao được các giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa thích ứng cho hội nhập kinh tế và sự biến đổi khí hậu, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất lúa để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, nâng cao giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Mô hình liên kết cũng giúp phát triển các dạng hình kinh tế hợp tác để thuận lợi cho đầu tư, sản xuất hàng hóa đủ lớn, dễ dàng tiếp cận thị trường và đảm bảo đầu ra, trong đó liên kết “4 nhà“ là khâu mấu chốt cần được quan tâm hàng đầu, từ đó giúp nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh lúa gạo vùng ĐBSCL từ khâu dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, bảo quản tồn trữ, chế biến và tiêu thụ lúa gạo, trong đó tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu cần được đặc biệt chú ý.

Việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong chọn tạo giống lúa cần được tập trung chọn tạo giống lúa cho năng suất cao ổn định, phầm chất gạo tốt, kháng sâu bệnh, nhất là rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn, chống chịu được với điều kiện khó khăn như khô hạn, ngập lũ, ngập mặn và thích nghi điều kiện tiểu vùng sinh thái và thay đổi khí hậu vùng ĐBSCL. Đánh giá và sử dụng nguồn gen để phát hiện nhanh và chính xác các gen mục tiêu trong nguồn gen thu thập.

Sử dụng nguồn vật liệu di truyền trong chương trình lai tạo giống lúa phù hợp ở ĐBSCL, song song với việc sử dụng phương pháp lai tạo truyền thống để tạo ra nhiều giống lúa triển vọng và phục tráng các giống lúa bản địa, đặc sản có tính thích nghi cao với từng địa phương. Ngoài ra, cần thực hiện xã hội hóa công tác nhân giống 3 cấp: Siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận nhằm giải quyết vấn đề thiếu giống tốt, hạt giống khỏe, giống chất lượng cao để giúp nông dân sản xuất lúa đạt năng suất và chất lượng cao.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị 


Nông dân sản xuất lúa gạo của ĐBSCL vẫn nghèo do hiệu quả kinh tế, thu nhập từ sản xuất lúa gạo còn thấp, người sản xuất được hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo. Vấn đề tổ chức sản xuất và liên kết theo chuỗi khép kín vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo ra được bước thay đổi căn bản để đảm bảo sự phát triển bền vững; chưa giảm được mức độ sử dụng tài nguyên và nguồn vật tư đầu vào, đặc biệt là tài nguyên nước và hoá chất. Vấn đề cạnh tranh quốc tế về thị trường lúa gạo, an toàn thực phẩm cũng đang là bài toán lớn đặt ra cho ngành hàng lúa gạo nước ta. 


Ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: 

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu 


Biến đổi khí hậu đang ngày càng có những tác động mạnh mẽ tới ĐBSCL, đây là lúc cấp thiết phải xây dựng các giải pháp nhằm giảm thiểu, khắc phục những tác động này đối với ĐBSCL. Trong đó, giải pháp quan trọng và hiệu quả là chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn và sử dụng ít nước hơn, tăng diện tích luân canh lúa - màu và lúa - thủy sản, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ trong các vùng ngọt hóa, không ngập và ngập nông. Nghiên cứu chọn tạo và đưa ra sản xuất các giống cây trồng chịu hạn mặn, chú trọng giống lúa có khả năng thích nghi với những biến đổi bất thường của khí hậu, chịu hạn, mặn, phèn... 


GS. TS Nguyễn Thị Lang, Viện lúa ĐBSCL:

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất 


Nông nghiệp vùng ĐBSCL cần phải chuyển hướng theo chiều sâu, trên cơ sở phát triển khoa học nông nghiệp, những tiến bộ kỹ thuật mới để ứng dụng các giống lúa cải tiến có khả năng chống chịu ngập một phần do lũ, ngập hoàn toàn, chống chịu khô hạn, chống chịu mặn. Ví dụ như giống lúa OM 4900, OM 5451, OM 4488... ứng dụng cho những vùng bị ngập sâu tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và một phần của TP Cần Thơ; giống lúa OM 8108, OM 8104... được áp dụng cho khu vực đất bị nhiễm mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang; giống lúa OM 6677, MNR1, MNR2, MNR3 chống chịu đất nhiễm phèn ở tỉnh Hậu Giang, Long An. 


TS Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: 

Chú trọng khâu liên kết 4 nhà 


Liên kết 4 nhà là khâu mấu chốt để giải quyết vấn đề sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân trong xu thế sản xuất hàng hóa hiện nay và tương lai. Nghiên cứu hiện trạng liên kết nhằm đề xuất cải tiến để các bên tham gia đều có lợi tạo mối liên kết bền vững. Liên kết tạo điều kiện chia sẻ thông tin và trách nhiệm như thành lập diễn đàn, đối thoại, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm... để giải quyết vấn đề thị trường, tạo cơ chế và chính sách phù hợp để thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững. Đặc biệt chú ý phát triển mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà nông sản xuất và nhà doanh nghiệp.


Lê Hiền/Báo Tin Tức
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đẩy mạnh công tác liên kết vùng
Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đẩy mạnh công tác liên kết vùng

Ngày 29/6, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN