Hội nghị nhằm đánh giá lại công tác thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong 20 năm qua, rút ra các bài học kinh nghiệm; đồng thời, đưa ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Được thực hiện từ năm 2002 với 2 chương trình tín dụng ban đầu có dư nợ 72,5 tỷ đồng, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã thực hiện cho vay 17 chương trình với tổng doanh số cho vay đạt 8.790 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2022, tổng dư nợ đạt trên 3.545 tỷ đồng, tăng 47,9 lần so với năm 2002, với gần 68.000 hộ còn dư nợ, tăng trưởng tín dụng đạt bình quân 23,4%/năm.
Sau 20 năm, nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã góp phần giúp trên 376.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; giúp hơn 78.000 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn vượt qua ngưỡng nghèo; sửa chữa, nâng cấp trên 119.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 56.500 lượt hộ tại vùng khó khăn vay vốn sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho gần 35.000 lao động; hơn 20.500 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 10.500 căn nhà cho hộ nghèo và gia đình chính sách…
Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp tỉnh Kon Tum giảm hộ nghèo từ 38,63% năm 2006 xuống còn 6,32% vào cuối năm 2021. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần xây dựng 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã đạt từ 8 đến 18 tiêu chí.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được các Sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, xã, các tổ tiết kiệm vay vốn và hộ vay về hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách.
Bà Y Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, tại 102/102 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có hoạt động ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua cấp Hội, với 603 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng dư nợ ủy thác thông qua cấp Hội đến cuối tháng 8/2022 đạt trên 1.325 tỷ đồng với gần 25.400 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Dư nợ bình quân đạt 52 triệu đồng/hộ. Nhờ nguồn vốn vay, các chị em phụ nữ đã thực hiện tốt việc phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện chỉ tiêu thoát nghèo của địa phương.
Bà Y Lực, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Mô Pảh, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết, thôn có 215 hộ, chủ yếu là người dân tộc Xê Đăng, nhưng có đến 40 hộ nghèo. Được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2010, bà Y Lực đã hỗ trợ cho 231 lượt tổ viên được vay vốn với số tiền gần 7 tỷ đồng. Nhờ đó, các hộ dân trong thôn đã mua được 40 con trâu bò, 20 ha cà phê, 5 ha bời lời…, giúp 21 hộ thoát nghèo, các hộ khác kinh tế gia đình được cải thiện hơn.
Tại Hội nghị, bà Lê Thị Đức Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khẳng định, trong 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai có hiệu quả Nghị 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Kon Tum, được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tin tưởng, ủng hộ và đã đạt được nhiều thành tích đáng biểu dương. Tiêu biểu là hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, có hiệu quả cấp uỷ, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban ngành và 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác.
Bên cạnh đó, đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06/KL-TW của Ban Bí thư và Quyết định số 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; quy mô tín dụng chính sách tăng trưởng mạnh, tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2002 - 2022 là 23,4%/năm; tham mưu gắn với tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển của tỉnh và các địa phương trong từng giai đoạn, nhằm thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đống bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Để tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các hạn chế, yếu kém và qua các bài học kinh nghiệm trong 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương cần quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc xây dựng, lồng ghép các mô hình, chương trình, dự án trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh; tăng cường, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa…
Ghi nhận đóng góp của tập thể cán bộ, viên chức Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tặng 29 bằng khen cho các tập thể, cá nhân. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban dân tộc của Quốc hội, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Bộ Xây dựng đã tặng bằng khen cho các cá nhân thực hiện tốt nhiệm vụ tín dụng chính sách; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng tặng 60 bằng khen cho 22 tập thể và 38 cá nhân…