Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng nhà nước thuận lợi, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
"Chìa khóa vàng" giúp nông dân thoát nghèo bền vững
Thuộc gia đình hộ nghèo tại Bản Na. xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, gia đình chị Vi Thị Minh quanh năm cuộc sống chật vật, phải lo chạy ăn từng bữa, không đủ tiền cho con đi học. Đầu năm 2009, gia đình chị Vi Thị Minh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu cho vay với số tiền 30 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo. Từ nguồn vốn vay đó, gia đình chị Minh đã đầu tư trồng được 4 ha keo, mua 1 con bò và 5 con gà, số gà nuôi đó đã nhanh chóng sinh sôi nảy nở, giúp gia đình cải thiện dần bữa ăn. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lấy ngắn nuôi dài, khi có thu nhập gia đình chị vừa trả nợ cũ vừa tiếp tục vay mới để mở rộng sản xuất kinh doanh.
Qua 3 đợt vay vốn với thời gian hơn 13 năm từ vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp gia đình chị Minh ổn định cuộc sống, có nguồn thu nhập tăng thêm. Đến nay gia đình chị Minh đã vươn lên trở thành hộ khá giả của toàn xã, tài sản hiện có 15 con bò trị giá khoảng trên 300 triệu đồng; 1 xe tải nhỏ, trạm cân keo mang lại thu nhập bình quân mỗi năm trừ chi phí hơn 200 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho 9 lao động thường xuyên; hai đứa con được đi học và đạt học sinh giỏi toàn diện.
Không chỉ là "cần câu" giúp các hộ nông dân thoát nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An còn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp, Công ty TNHH May mặc Trọng Phúc đóng tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã bị ảnh hưởng nặng nề, phải tạm dừng hoạt động một thời gian để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, cùng với đó là doanh thu giảm sút do lượng đơn hàng giảm và tốn nhiều chi phí cho phòng chống dịch…
Tháng 8/2021, công ty được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Diễn Châu tạo điều kiện, hỗ trợ các thủ tục và giải ngân 800 triệu đồng vốn ưu đãi trả lương ngừng việc cho 173 lượt người lao động. Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của nhà nước về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, công ty có thêm điều kiện để duy trì sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Công ty ưu tiên vốn tự có nhập thêm nguyên liệu tăng tốc sản xuất. Nhờ đó, doanh thu 6 tháng đầu năm 2022 của công ty đạt 10.543 tỷ đồng, tăng 126% so cùng kỳ năm trước; phấn đấu cả năm, doanh thu đạt khoảng 21.432 tỷ đồng. Công ty vừa đầu tư xây dựng và cho đi vào hoạt động nhà xưởng 3.000 m2 tại huyện Quỳnh Lưu để mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm thêm 1.700 lao động, thu nhập bình quân 5,7 triệu đồng/người/tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.
Ông Đậu Trọng, Giám đốc Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc cho biết: "Nghị quyết 68 của Chính phủ như một "cánh cửa" mở ra đúng lúc, đúng thời điểm để người lao động và người sử dụng lao động thêm nguồn lực phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, để công ty phát triển ổn định bền vững Chính phủ nên có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp số tiền lớn hơn, thời gian trả nợ dài hơn. Ưu tiên tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn từ nguồn Giải quyết việc làm để đầu tư mở rộng sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động".
Qua 20 năm hoạt động, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng ưu đãi; doanh số cho vay đạt trên 32.000 tỷ đồng; gần 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Đến ngày 31/8/2022, tổng nguồn vốn đạt gần 10.800 tỷ đồng; tăng gần 10.500 tỷ đồng, gấp 34,21 lần so với năm 2003. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gần 37.300 hộ nghèo ở Nghệ An có điều kiện xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở, làm chòi tránh lũ; tạo việc làm ổn định cho hơn 49.000 lao động; trên 10.300 người được vay vốn đi xuất khẩu lao động.
"Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đối tượng thụ hưởng của tín dụng chính sách ngày càng mở rộng, quy mô nguồn vốn và dư nợ ngày càng lớn, mức cho vay tăng, thời hạn cho vay dài (hầu hết các chương trình đều cho vay trung và dài hạn) và lãi suất cho vay luôn duy trì ổn định theo thời gian, tín dụng chính sách đang ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, là nguồn vốn quan trọng giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để tạo sinh kế, ổn định đời sống", ông Trần Khắc Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An cho biết.
Tập trung các nguồn vốn cho tín dụng chính sách
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 tỉnh Nghệ An xác định mục tiêu: 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp. Nguồn vốn, dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 7-10%; phấn đấu đến năm 2025 nguồn vốn và dư nợ đạt trên 13.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 16.000 - 17.000 tỷ đồng.
Để thực hiện mục tiêu trên, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách; Tập trung các nguồn lực về con người và nguồn vốn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Thường xuyên rà soát nhu cầu vay vốn, phấn đấu đáp ứng 100% vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn.
Ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đánh giá, chặng đường 20 năm thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP chưa phải là dài nhưng đạt được kết quả, ý nghĩa rất lớn. Cùng với việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An từ năm 2002 là 14,79% đến nay giảm còn 2,74% (theo chuẩn cũ).
Tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt các chương trình tín dụng, có những cách làm để đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó cũng tranh thủ nguồn vốn lớn từ Trung ương kết hợp với việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thành, thị để triển khai thực hiện. Đến thời điểm ngày 30/6/2022, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 235,2 tỷ đồng.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới UBND tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi; quản lý và giám sát chặt chẽ nguồn vốn này; triển khai thực hiện tốt hơn nữa nội dung Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
"Tỉnh Nghệ An sẽ tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo các đối tượng chính sách. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu bố trí tăng dần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện các đề án về giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn" - ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.