Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thật sự trở thành bệ đỡ tinh thần giúp người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa có phương tiện mưu sinh, phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đến nay, mạng lưới điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phủ kín đến 100% thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 220 điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và hơn 3.300 tổ tiết kiệm và vay vốn. Mạng lưới giao dịch này đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, góp phần giúp cho trên 225.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Kpuih Tit, Làng Lung Prông, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ chia sẻ, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo nên kinh tế luôn gặp khó khăn. Tháng 6/2017, được sự quan tâm và tạo điều kiện của cán bộ xã, thôn trưởng, tổ Tiết kiệm và vay vốn, gia đình ông đã mạnh dạn đăng ký xin vay vốn và được bình xét cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn chương trình hộ cận nghèo để đầu tư canh tác 800 cây cà phê, cho thu nhập bình quân hơn 70 triệu/năm.
Đến cuối năm 2019, gia đình ông đã trả hết nợ vay và được công nhận thoát nghèo bền vững. Năm 2020, gia đình ông tiếp tục vay thêm 50 triệu để trồng mới 400 cây điều và tiếp tục chăm sóc 800 cây cà phê hiện có. Nhờ đó, gia đình ông đã có thêm nguồn vốn tích luỹ để sửa chữa nhà ở, đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và con cái được học hành đầy đủ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thay đổi tư duy, tập quán sản xuất hướng đến làm giàu chính đáng. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được nâng cao.
Anh A Nhok ở Làng Tpôn, xã Yang Nam, huyện Kông Chro vui mừng cho biết, cơ hội thoát nghèo đến với gia đình anh khi được chính quyền địa phương hỗ trợ bò giống sinh sản. Có được điều kiện sản xuất, gia đình anh đã nỗ lực đầu tư chăm sóc và đến giờ đã cho thành quả với 3 lứa bò con. Bên cạnh đó, gia đình anh còn được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư mở rộng thêm 2 ha đất trồng mì và cỏ. Có nguồn thu nhập nên hiện tại gia đình anh đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định.
Gia Lai hiện có trên 46% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới gần 90%, do tư duy làm ăn thiếu căn cơ cộng với thiếu vốn sản xuất nên rất khó thoát nghèo.
Trước thực tế này, tỉnh Gia Lai đã huy động mọi nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn.
Tính đến 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội đạt xấp xỉ 5.800 tỷ đồng, tăng hơn 5.700 tỷ đồng so với năm 2003; tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 25,3 %, với trên 146.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Nguồn vốn đã giải ngân cho gần 784.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; giải quyết tạo việc làm cho 35.000 lao động; giúp cho trên 63.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ xây dựng 14.000 căn nhà cho hộ nghèo và 229 căn nhà cho người có thu nhập thấp.
Ngoài ra, nguồn vốn chính sách ưu đãi còn giúp xây dựng trên 212.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn; tạo điều kiện cho 68 đơn vị sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc cho trên 1.000 lao động vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19; giúp cho trên 125.000 hộ sản xuất kinh doanh, thương nhân tại vùng khó khăn có vốn để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành khẳng định, trong suốt chặng đường 20 năm qua, hoạt động tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có những bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng.
Đặc biệt, 17 chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn được triển khai kịp thời, có hiệu quả, đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hạn chế tín dụng đen trên địa bàn. Hàng năm, UBND tỉnh và các địa phương đã quan tâm chuyển nguồn vốn ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số dư vốn ủy thác đạt 320 tỷ đồng.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng giai đoạn, giảm từ gần 20% năm 2002 xuống còn 14,32% năm 2010 và còn 5,38% vào cuối năm 2020. Điều này cho thấy, vị thế và vai trò của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày càng được khẳng định là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Gia Lai hiện chỉ còn dưới 4% tỷ lệ hộ nghèo, đây là kết quả đáng khích lệ, mang lại từ việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, song song với việc chuyển giao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đến tận tay người nghèo.
Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng được khẳng định là một trong những công cụ quan trọng, hữu hiệu để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây cũng chính là bệ đỡ tinh thần giúp người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số có thể vươn lên làm chủ cuộc sống.