Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. |
Ngoài trồng các loại cây nông nghiệp, nhiều hộ đồng bào tái định cư thủy điện triển khai thêm mô hình nuôi trồng thủy sản. Nguồn thu nhập từ thủy sản lòng hồ phần nào giúp cuộc sống các gia đình nâng lên đáng kể, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có 21 hộ tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Lai Châu. Thực hiện chương trình thí điểm nuôi cá lồng, huyện Nậm Nhùn hỗ trợ 10 hộ tham gia với mức 10 triệu đồng/lồng/hộ theo chương trình hỗ trợ chung của Chính phủ đối với các hộ dân vùng tái định cư thủy điện.
Ông Đỗ Văn Thắng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn cho biết, toàn xã có trên 93% số hộ sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo là 24,69%. Để tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống, huyện Nậm Nhùn hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân trong xã nuôi cá lồng.
Những hộ xin tham gia nuôi cá lồng theo mô hình thí điểm của huyện được hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ nông nghiệp. Cách làm này giúp các hộ dân tại xã có thêm nghề mới, tận dụng được tiềm năng mặt nước hồ thủy điện.
Gia đình anh Lò Văn Tranh, dân tộc Thái ở bản Mường Mô, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn nuôi 8 lồng cá trên lòng hồ sông Đà với các loại chép, trắm, rô phi đơn tính.
Trước khi triển khai mô hình, anh Tranh tham khảo kinh nghiệm nuôi cá tại một số nơi trong tỉnh tìm hiểu các cơ sở cung cấp cá giống. Được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 triệu đồng, anh Tranh mạnh dạn vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư lồng, bè và nông cụ khác. Tuy mới thực hiện được hơn hai tháng, nhưng cá của gia đình phát triển tốt.
Anh Lò Văn Tranh chia sẻ: “Đầu tư với số tiền hàng trăm triệu đồng nên gia đình cũng lo lắng. Phần lớn thời gian tôi ở tại lồng cá để theo dõi sát, thấy bất thường có thể xử lý ngay. Ở đây, tôi cũng đánh bắt cá, tôm trên lòng hồ nên có nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Hiện tôi có vó bè, thuyền nhỏ để thả lưới bắt cá; ngày nhiều được vài trăm nghìn từ bán cá và đủ thức ăn cho gia đình”.
Năng suất mỗi lồng cá có thể thu được trên dưới 3 tấn/lồng. |
Không chỉ với người dân bản địa, vùng lòng hồ thủy điện Lai Châu tạo thu nhập cho người dân vùng lân cận tới mưu sinh. Có nghề đánh bắt thủy sản trên sông suối, lòng hồ, vợ chồng anh Đinh Văn Cát, quê tỉnh Sơn La tới xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu làm hệ thống thuyền, vó bè đánh bắt cá; gia đình đã ghép cố định 3 chiếc thuyền với nhau để tiện sinh hoạt trên lòng hồ thủy điện.
Anh Đinh Văn Cát cho biết: “Lượng cá ở vùng lòng hồ thủy điện Sơn La không còn nhiều như trước nên nhà tôi đã neo bè tại đây để đánh bắt, khai thác thủy sản. Tới huyện Nậm Nhùn từ tháng 6 năm 2016, vợ chồng tôi cùng người anh trai đánh bắt cá bán cho các nhà buôn; một phần chế biến để bán cho dân. Quá trình đánh bắt, chúng tôi luôn đảm bảo an toàn, giữ gìn môi trường, không dùng mìn, điện đánh bắt”.
Tận dụng tiềm năng mặt nước để phát triển nghề nuôi cá và đánh bắt cá tôm đang là việc làm mà các hộ dân tái định cư xã Mường Mô nói riêng, huyện Nậm Nhùn nói chung thực hiện, để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nơi bản mới. Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân tự tìm tòi, nghiên cứu, vay vốn để phát triển kinh tế.
Ông Hà Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết, với việc nuôi và khai thác cá trên vùng lòng hồ thủy điện, huyện Nậm Nhùn thực hiện thí điểm việc hỗ trợ một số hộ nuôi cá lồng. Đây sẽ là hướng đi tốt cho người dân vùng tái định cư trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Không chỉ vậy, huyện Nậm Nhùn nghiên cứu xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái vùng lòng hồ gắn với các bản văn hóa với mục tiêu là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương.