Ngọn cờ đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Là vùng đất trẻ nằm ở cực Nam Tổ quốc, thành phố Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định thành lập vào năm 1999 trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của thị xã Cà Mau. Từ một thị xã còn nhiều khó khăn, thách thức, đến nay, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, thành phố đã đạt nhiều thành tựu to lớn, xứng tầm vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh.
Cách đây mười năm, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, các xã vùng ven của thành phố Cà Mau chỉ đạt bình quân 8,1 tiêu chí, có xã chỉ đạt 5 tiêu chí. Nhưng với sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền, phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp các xã trên địa bàn, từ đó thu hút sự tham gia của cộng đồng, phát huy sức mạnh của toàn xã hội. Đến nay, toàn bộ 7 xã vùng ven của thành phố Cà Mau đã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn thay đổi vượt bậc.
Ông Nguyễn Thành Phu, Bí thư Chi bộ ấp Xóm Chùa (xã Hòa Thành) chia sẻ, nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới mà hiện nay đường giao thông nối ấp với ấp, xã với xã, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, giao lưu phát triển kinh tế. Riêng ấp Xóm Chùa được xã chọn làm ấp điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao. Hiện nay, chi bộ, chính quyền cùng các ngành, đoàn thể đang ra quân vận động, tuyên truyền người dân thực hiện giữ vững tiêu chí môi trường, đồng thời xây dựng các tuyến dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, từ đó nhân rộng ra các ấp khác để xã được công nhận nông thôn mới nâng cao thời gian tới.
Trước đây, người dân tại các xã vùng ven thành phố Cà Mau chỉ sống dựa vào cây lúa, con tôm, canh tác theo kiểu truyền thống nên thu nhập còn thấp. Hiện nay, phong trào nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất ngày càng mạnh mẽ, sự hình thành ngày càng nhiều hơn các tổ hợp tác, hợp tác xã đã dần thay đổi các mô hình sản xuất. Từ đó, quy mô sản xuất ngày càng lớn hơn, dần hướng đến sản xuất sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng vì thế đều được nâng cao hơn.
Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thành phố Cà Mau chỉ đạt 12,7 triệu đồng, hộ nghèo chiếm 5,29%, thì đến nay thu nhập tăng lên 41,8 triệu đồng, hộ nghèo giảm còn 1,11%. Nhiều ấp tại các xã nông thôn mới của thành phố đã xóa trắng hộ nghèo. Thành quả trên có được là nhờ phương pháp giảm nghèo hiệu quả tại các địa phương trên địa bàn thành phố thời gian qua, trong đó có mô hình phân công cán bộ, đảng viên ở xã phối hợp với các trưởng ấp tuyên truyền, vận động, nắm bắt nhu cầu, mong muốn của hộ nghèo để đưa ra giải pháp hỗ trợ, nhằm giúp bà con thoát nghèo bền vững.
Gia đình ông Hồ Quốc đã nhiều đời sinh sống tại ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm. Chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông Hồ Quốc chia sẻ, tuyến đường ô tô liên xã đã đến tận từng nhà người dân, không chỉ tạo thuận tiện cho các hoạt động kinh doanh buôn bán mà bộ mặt nông thôn cũng vì thế mà ngày càng khang trang, đổi mới. “Từ khi được chính quyền vận động trồng hoa, hàng rào cây xanh theo tuyến lộ để xây dựng tuyến dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, gia đình tôi cùng bà con lối xóm đều tích cực cùng nhau thực hiện", ông Hồ Quốc phấn khởi.
Bên cạnh đó, để nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn, thời gian qua, UBND thành phố đã tích cực thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 8/8/2016 của Thành ủy về nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Đến nay, thành phố có 209 ha nuôi tôm siêu thâm canh, năng suất đạt 21 tấn/ha/năm; 21 ha dưa hấu đạt chuẩn VietGAP, năng suất 40 tấn/ha/vụ; 80 ha lúa - tôm đạt chuẩn VietGAP, năng suất 6,2 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính lên tới 500 m2, năng suất đạt 1,6 tấn/vụ, theo công nghệ Israel đang triển khai và từng bước nhân rộng trên địa bàn phường Tân Thành.
Ông Lý Khánh Ly, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và Phát triển kinh tế tập thể thành phố Cà Mau, phấn khởi cho biết: Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới, từng địa phương phải xác định rõ các tiêu chí trọng tâm để tập trung chỉ đạo, nhất là các tiêu chí về đời sống người dân, môi trường, văn hoá và an ninh - trật tự. Các xã đã đạt chuẩn thì cần tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới để nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đặc biệt khi thực hiện các tiêu chí, phải đảm bảo chất lượng, thực chất, không chạy theo thành tích.
Vươn lên xứng tầm trở thành đô thị loại I
Bước ngoặt cho những đổi thay trên có thể kể đến chính là những quyết sách mang tính định hướng lâu dài đã được đề ra. Trong đó, có thể kể đến là Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố Cà Mau nhiệm kỳ 2015-2020 về tăng cường công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động và tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị thành phố, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trở thành đô thị loại I. Vì thế, những vướng mắc cố hữu đã được chỉ ra, cùng với những giải pháp khắc phục. Thành phố Cà Mau nằm trong vùng có địa hình khá thấp và bị sông ngòi bao quanh, cho nên các tuyến sông đều nằm trong nội ô và cần phải kè bờ sông… Vì vậy, thành phố chú trọng quy hoạch chi tiết theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn với cải thiện vệ sinh môi trường. Không gian đô thị không gói gọn mà cũng được quy hoạch mở rộng, phát triển toàn diện về các hướng.
Với định hướng đó, cả hệ thống chính trị thành phố Cà Mau đã cùng vào cuộc kiến thiết đô thị trẻ theo định hướng phát triển bền vững. Ðến nay, đã có 51 đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch được phê duyệt, thông qua, trong đó có 45 đồ án quy hoạch chi tiết, 6 đồ án quy hoạch phân khu. Các phường nội ô đã quy hoạch phân khu bao phủ 52,2%, quy hoạch chi tiết bao phủ 24,04% diện tích và hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cả 7 xã vùng ven của thành phố.
Ông Bùi Tứ Hải, Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Cà Mau, cho biết: Ðể việc quy hoạch không bị phá vỡ, thời gian qua, các cơ quan chuyên trách của thành phố đã tăng cường công tác quản lý quy hoạch, chấn chỉnh hoạt động xây dựng không phép, sai phép, sai quy hoạch được duyệt, nhất là các tuyến hẻm tự mở, các khu tái định cư, nhà ở xã hội và các khu vực ven sông… “Ở những nơi “tấc đất, tấc vàng” thì thành công lớn nhất trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị chính là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhận được sự chia sẻ, đồng thuận cao của người dân, tạo điều kiện tốt về mặt bằng để triển khai các công trình được thuận lợi, nhanh chóng”, ông Bùi Tứ Hải chia sẻ.
Ông Lê Tuấn Hải, quyền Chủ tịch UBND thành phố Cà Mau thông tin, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, địa phương đã thực hiện 97 công trình, trong đó đầu tư trực tiếp từ ngân sách tỉnh 32 công trình, từ ngân sách thành phố là 65 công trình. Tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản là hơn 816 tỷ đồng (ngân sách tỉnh hơn 74 tỷ đồng, ngân sách thành phố hơn 542 tỷ đồng). Một số công trình trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nổi bật là việc triển khai Dự án Nâng cấp đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (LIA) - Tiểu dự án thành phố Cà Mau đã được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 18 khu LIA trên địa bàn các phường và xã Tắc Vân, 6 tuyến đường và 1 bờ kè, 1 khu tái định cư tập trung… Gần 200.000 người dân đô thị được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp, góp phần quan trọng phát triển dân sinh, cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị, đóng góp rất lớn để thành phố Cà Mau hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II như hôm nay.
Ngoài ra, một trong những thành công lớn của Ðảng bộ thành phố Cà Mau trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ thành phố Cà Mau về công tác cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đánh giá về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại cho rằng, đến nay công tác cải cách hành chính các cấp trên địa bàn thành phố Cà Mau đã có sự chuyển biến tích cực; trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức trong công tác cải cách hành chính chuyển biến rõ rệt. Ðó cũng là nguyên nhân giúp công tác cải cách hành chính của thành phố đạt hơn 90% kế hoạch đề ra, tỷ lệ hài lòng của các tổ chức, cá nhân về thực hiện thủ tục hành chính chiếm hơn 97%... Những kết quả nổi bật đó dẫn đến ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến thành phố Cà Mau thực hiện các dự án lớn, nhất là các dự án về thương mại, dịch vụ.
“Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mà Ðảng bộ thành phố Cà Mau sẽ quyết tâm thực hiện là tập trung huy động, thu hút nguồn lực đầu tư phát triển thành phố đạt tiêu chí đô thị loại I”, Bí thư Thành ủy Cà Mau Phạm Thành Ngại nhấn mạnh. Ông nêu rõ bốn đột phá chiến lược sẽ được tập trung triển khai, gồm: Đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, trường học, các khu đô thị mới; phát triển nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng ven thành phố, trọng tâm là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khắc phục ô nhiễm môi trường các dòng sông; đầu tư phát triển “kinh tế đêm” và sản phẩm du lịch trên sông trong lòng thành phố.
Sự năng động, nhộn nhịp của thành phố trẻ đã và đang tô điểm cho vùng đất cực Nam thêm sức vóc mới. Cùng cả nước hân hoan kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, người dân thành phố Cà Mau càng thêm kỳ vọng vào sự phát triển của thành phố trẻ.