Nhân 75 năm Quốc khánh 2/9: Tri ân sâu sắc đến những người có công với đất nước

Hai năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị bệnh viện trên địa bàn triển khai công tác thăm khám sức khỏe cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và thương binh nặng như một lời tri ân sâu sắc, thể hiện đạo nghĩa “uống nước nhớ nguồn’ với những người có công với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những việc làm đó đã mang lại những hiệu quả tích cực, đặc biệt trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc với giới trẻ ngày nay.

Chú thích ảnh
Thăm khám bệnh tại gia đình thương binh nặng Trần Triệu Kim (phường 13, quận Tân Bình). Ảnh: TTXVN phát

Món quà tri ân

Như đã thành thông lệ vào ngày giữa tháng, anh Nguyễn Trung Hiếu, cán bộ Trung tâm Y tế quận Tân Bình lại cùng các đồng nghiệp trẻ lại vượt qua cái nắng nóng tháng 8 của đất phương Nam xuống thăm khám bệnh cho mẹ Lê Thị Nhiên, Mẹ Việt Nam Anh hùng hiện đang sống cùng con tại quận Bình Tân. Năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn, mẹ Nhiên vui vẻ hỏi thăm từng thành viên đoàn cán bộ y tế, những người nay đã như con cháu của mẹ sau những lần gặp gỡ tại nhà. Sau khi thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho mẹ Nhiên, Đoàn công tác dặn dò mẹ Nhiên và chị Điệp (con dâu mẹ Nhiên) những lưu ý về chăm sóc sức khỏe hàng ngày, nhất là trong công tác phòng, chống COVID-19.

Thay mẹ chồng đón nhận gói thuốc bổ, hộp khẩu trang và dung dịch sát khẩu và hộp quà của đoàn, chị Điệp vui vẻ cho biết: “Các em đến thăm, má vui lắm, từ sáng đến giờ cứ ngóng các em suốt đó. Tuổi già có sự quan tâm, săn sóc của mọi người là thêm nguồn vui, động viên má nhiều lắm. Má chịu khó uống thuốc, ăn đúng cữ như lời bác sỹ căn dặn nên sức khỏe rất ổn định, tinh thần lạc quan, thoải mái”.

Theo ông Huỳnh Văn Bé, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình, từ năm 2018, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình cùng Quận Đoàn Tân Bình phối hợp cùng Bệnh viện Tân Bình, Trung tâm Y tế quận Tân Bình, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng; Bệnh viện Phụ sản Mekong tổ chức thăm, khám bệnh tại nhà cho 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn quận (nay còn 6 Mẹ).

Trên cơ sở những kết quả tích cực của hoạt động này, tới năm 2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận cùng các đơn vị phối hợp mở rộng đối tượng thăm khám chữa bệnh tại nhà cho 7 thương binh nặng có mức thương tật trên 81%. Đây là nội dung xuyên suốt của công tác giáo dục truyền thống và là một nhiệm vụ trong chương trình năm của Mặt trận Tổ quốc và các đơn vị bệnh viện trên địa bàn quận. Không chỉ làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà, trong các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán, các đơn vị phối hợp còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, tiếp lửa truyền thống giữa thế hệ trẻ và những người có công trên địa bàn. 

"Hoạt động này không chỉ mang lại niềm vui cho các gia đình chính sách mà còn góp phần tăng thêm tình cảm, sự kết nối giữa nhân dân với tổ chức Mặt trận, các đơn vị y tế trên địa bàn, có giá trị tuyên truyền sâu sắc đối với nhân dân, với tuổi trẻ về quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước với những người có công với cách mạng”- ông Huỳnh Văn Bé khẳng định.

Mô hình sáng tạo, cần được nhân rộng

Là một trong những người tham gia chương trình ngay từ đầu khởi phát, Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Xuân Chiểu, Bệnh viện quận Tân Bình cho biết, thực tế cho thấy, công tác khám, chữa bệnh tại gia đình đã mang lại những giá trị to lớn mang tính tinh thần đối với các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng và gia đình.

Cùng với những quan tâm về vật chất, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và các thương binh nặng rất cần những liều thuốc tinh thần để củng cố niềm tin, sự lạc quan, vun bồi niềm vui cuộc sống trong những năm tháng phải đối mặt với tuổi già, sức yếu. Ở khía cạnh y tế, chăm sóc thường xuyên tại gia đình  tuy không thể thay thế hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện, nhưng có tác dụng rất thiết thực giúp cán bộ y tế nắm bắt những thay đổi về sức khỏe, đưa ra những hướng dẫn, chỉ định kịp thời về y tế và xây dựng hệ thống thông tin bổ trợ hữu ích giúp quá trình chữa bệnh đối với Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng khi cần phải vào bệnh viện.

“Chính vì vậy, tuy đây chỉ là một chương trình xã hội, nhưng cũng rất cần người thực hiện phải là những bác sỹ, cán bộ y tế có trình độ cả về y học và tâm lý, có kinh nghiệm thăm khám chữa bệnh với người già, bệnh nặng và đặc biệt phải có cái tâm trong sáng, nhân hậu của người thầy thuốc có y đức”- Bác sỹ Nguyễn Xuân Chiểu tâm sự.

Bà Trần Thị Duy Phượng (Phường 3, quận Tân Bình), thương binh nặng 1/4 cho biết, do thương tật vận động lại thêm bệnh viêm gan mãn cùng những chứng bệnh tuổi già, sức khỏe của bà không ổn định, thường xuyên đau yếu. Do nhà neo người và bản thân chỉ có thể di chuyển bằng xe lăn, mỗi khi phải đến bệnh viện khám bệnh  là một nỗi lo không hề nhỏ đối với bà. Thật may là từ hơn một năm nay, các bác sỹ, y tá Bệnh viện Chấn thương và chỉnh hình đã đến khám bệnh tại nhà, kiểm tra, tư vấn y tế giúp bà an tâm hơn về sức khỏe.

“Cũng nhờ các anh chị em phát hiện kịp thời và hỗ trợ nhiệt tình giúp tôi mổ cái u cột sống, giờ tôi thấy mình khỏe hơn, yên tâm hơn. Những thương binh như chúng tôi rất cảm ơn và thực sự cảm nhận được sự quan tâm, trân trọng của chính quyền, của chế độ, của nhân dân đối với chúng tôi qua những chuyến thăm của các đoàn viên, bác sỹ. Những việc làm như vậy cần được phát huy, nhân rộng hơn trong thời gian tới. Đó là suy nghĩ của tôi, nhưng chắc cũng là mong muốn của tất cả các thương binh nặng khác”- bà Trần Thị Duy Phượng xúc động chia sẻ.

Chú thích ảnh
Cán bộ y tế Trung tâm Y tế quận Tân Bình thăm khám bệnh cho Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhiên. Ảnh: TTXVN phát

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh còn khoảng 450 Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương thương bệnh, binh nặng, người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học gây tổn hại trên 81% sức khỏe. Đây là những đối tượng người có cống hiến đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc nhưng đang trong ở độ tuổi cao, sức yếu hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống do bệnh tật nên rất cần sự chung tay trong hoạt động chăm lo, săn sóc về cả vật chất lẫn tinh thần. Triển khai khám chữa bệnh cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng là một trong hoạt động có tác dụng rất thiết thực trên thực tế và có ý nghĩa xã hội sâu sắc mang tính lan tỏa về hoạt động tri ân người có công với cách mạng.

“Công tác khám chữa bệnh tại nhà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng đã góp phần thiết thực thể hiện trách nhiệm lớn lao, sự tri ân, tình nghĩa sâu nặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong công tác chăm lo người có công với cách mạng. Đây là một mô hình sáng tạo, rất cần được nhân rộng trong thời gian tới”- ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cho biết.

Xuân Khu (TTXVN)
Những ‘địa chỉ đỏ’ tri ân các chiến sỹ quên mình vì Tổ quốc
Những ‘địa chỉ đỏ’ tri ân các chiến sỹ quên mình vì Tổ quốc

Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và Di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) cùng nhiều di tích lịch sử trên cả nước, những ngày mùa thu lịch sử này, rất đông khách tới tham quan để tận mắt chứng kiến những hiện vật ghi dấu một giai đoạn lịch sử bi hùng, cùng những tấm lòng trung kiên của các chiến sĩ cách mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN