Nhiều diện tích đất lâm nghiệp bị người dân chặt phá, cày bừa để canh tác nông nghiệp. Ảnh: Dư Toán /TTXVN |
Tỉnh Lâm Đồng là địa phương thu hồi nhiều dự án nhất với 67 dự án, kế đến là tỉnh Đắk Nông, thu hồi 15 dự án…
Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, nguyên nhân thu hồi là do phần lớn các doanh nghiệp triển khai chậm tiến độ, để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép, không thực hiện dự án, chưa hoàn thành thủ tục thuê đất, thiếu vốn đầu tư, không thực hiện nghĩa vụ tài chính… Thậm chí, có một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương để mua, bán, sang nhượng dự án trái pháp luật.
Ngay tại tỉnh Đắk Nông, hầu hết các doanh nghiệp sau khi được giao rừng, đất lâm nghiệp chỉ tập trung nguồn lực, lao động sản xuất nông, lâm nghiệp buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng, dẫn đến diện tích rừng bị phá trên 4.785 ha, chiếm 33% diện tích rừng giao cho các đơn vị quản lý, bảo vệ. Tình trạng để người dân lấn chiếm đất rừng trái phép tại các dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cũng diễn ra khá phức tạp, nhất là các dự án trên địa bàn xã Đắk Ngo, Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông).
Qua kiểm tra cho thấy, tổng diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép tại các dự án gần 8.293 ha, chiếm 26,2% diện tích giao cho các đơn vị; trong đó, diện tích lấn chiếm trái phép trước khi có quyết định thuê đất là 1.067 ha, diện tích lấn chiếm trái phép sau khi có quyết định cho thuê đất là trên 7.225 ha; trong đó, có một số dự án bị lấn chiếm gần hết diện tích giao như Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng 59, Công ty TNHH Long Sơn, Kiến Trúc Mới, Công ty Cổ phần kỹ nghệ gỗ Long Việt….
Căn cứ kết quả kiểm tra đánh giá của các đơn vị chức năng, UBND tỉnh Gia Lai đã xử lý trách nhiệm 4 chủ dự án thuộc Binh đoàn 15 theo quy định của pháp luật vì đã vi phạm trong quá trình thực hiện dự án. Cụ thể, để các chủ dự án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật… với tổng diện tích trên 983 ha, buộc các đơn vị phải bồi thường thiệt hại về rừng, trồng lại rừng hoặc thanh toán chi phí trồng lại rừng theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Công ty Cổ phần Vinamit gần 926 ha rừng, đất lâm nghiệp tại tiểu khu 294, 295 thuộc địa bàn xã Cư Mlan, huyện Ea Súp (Đắk Lắk). Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, rà soát, Công ty Vinamit đã để mất 741,6 ha rừng; trong khi đó, đơn vị chỉ mới trồng được 58 ha cao su, 5,5 ha điều, gần 133 ha hoa màu khác. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi dự án chuyển về cho địa phương quản lý nhằm có kế hoạch trồng lại rừng…
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không những không chuyển đổi rừng, đất rừng sang mục đích khác mà còn thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, rà soát các dự án chuyển đổi rừng, đất lâm nghiệp trước đây sang trồng cao su và sản xuất nông, lâm nghiệp khác; khi phát hiện có sai phạm kiên quyết thu hồi để chuyển trả về cho địa phương có kế hoạch trồng lại rừng.
Các tỉnh Tây Nguyên ngoài việc tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ thị, thông báo của Thủ ướng Chính phủ, Ban Bí thư về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, chống người thi hành công vụ… còn thường xuyên, liên tục tổ chức các đợt truy quét nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về rừng, nhất là tại các vùng trọng điểm phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép trên địa bàn.