Song, nhờ các giải pháp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về giảm nghèo, xây dựng những mô hình giảm nghèo hiệu quả mà đến cuối năm 2024, hàng nghìn hộ dân thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 1,34% dân số.
Đẩy mạnh thông tin giảm nghèo
Thị xã Ngã Năm, nằm ở cửa ngõ phía Tây của tỉnh Sóc Trăng, nhờ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các mô hình giảm nghèo, giúp người dân chọn được những mô hình giảm nghèo phù hợp, từng bước thoát nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm Kim Thái Phong thông tin, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về giảm nghèo, trong đó chú trọng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền những mô hình hay, cách làm hiệu quả để hộ nghèo tiếp cận. Song song đó, triển khai đồng bộ công tác đào tạo nghề, tập trung vào đào tạo ngắn hạn, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Nhờ vậy, hàng năm, thị xã Ngã Năm có trên 400 hộ thoát nghèo, gần 500 hộ thoát cận nghèo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%, hộ Khmer nghèo giảm dưới 4%.
Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh thị xã Ngã Năm, thực hiện thông tin giảm nghèo đang được địa phương tăng cường phát sóng trên hệ thống truyền thanh ở địa phương. Mục tiêu giúp hộ nghèo tiếp cận thông tin, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, từ đó giúp hộ nghèo có thêm kiến thức thực hiện nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Nam cũng chia sẻ, năm 2024, lĩnh vực truyền thanh được quan tâm đầu tư nâng cấp nhiều hệ thống loa FM (không dây) và hữu tuyến (loa kéo dây), trong đó đã đầu tư mới 20 cụm loa FM, nâng tổng số cụm loa hiện có lên 153 cụm (FM và hữu tuyến), được phủ sóng đến tận các ấp, khóm. Đặc biệt, hệ thống loa được lắp đặt ưu tiên những “vùng trũng” về hộ nghèo để dễ dàng tiếp cận thông tin.
Cùng với đó, chương trình phát thanh đầu tư nâng cao chất lượng về nội dung với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, những ý kiến nhà khoa học hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật canh tác trên cây trồng, phòng bệnh trên vật nuôi… Gần 100 cán bộ, viên chức làm công tác thông tin, tuyên truyền được tập huấn để nâng cao kỹ năng tuyên truyền mô hình hay, cách làm hiệu quả đến với hộ nghèo tại địa phương.
Chọn mô hình giảm nghèo phù hợp
Gia đình chị Sơn Thị Chúc Ly (xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) là hộ dân tộc Khmer, gia đình thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống hằng ngày của gia đình chỉ trong chờ vào tiền làm thuê, làm mướn của chồng chị Ly. Đầu năm 2024, sau khi chị Ly hoàn thành lớp đào tạo nghề ngắn hạn đan lục bình của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm mở tại địa phương, gia đình chị có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Chị Sơn Thị Chúc Ly chia sẻ: Trước kia, tôi không có nghề nghiệp, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn, nhưng từ khi nghe thông tin về mô hình đan lục bình phát trên sóng truyền thanh phù hợp với lao động nhàn rỗi, bán thời gian nên quyết tâm theo học. Chị Ly hiện tham gia đan lục bình, có thêm thu nhập từ 3-4 triệu đồng/tháng, công việc nhẹ, có thể đem sản phẩm về nhà tự đan nên có thời gian chăm sóc con và làm việc nhà.
Chị Huỳnh Thị Miễn, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Vĩnh Hòa (xã Vĩnh Quới) cho biết, toàn ấp có trên 250 hộ dân, trong đó có 90% hộ làm nghề đan thủ công mỹ nghệ (đan lục bình), mỗi hộ có từ 1 - 3 nhân khẩu tham gia, thu nhập trung bình một người từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. Theo chị Miễn, nghề này gắn bó với nhân dân nơi đây hơn 5 năm qua, bà con trong ấp phấn khởi khi được Nhà nước triển khai xây dựng mô hình này giúp đời sống chị em khá giả hơn trước.
Theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên thị xã Ngã Năm Nguyễn Văn Vũ, năm 2024, Trung tâm chủ động đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn và gắn với giải quyết việc làm mang lại hiệu quả cao. Trung tâm đã tổ chức đào tạo 46 lớp (tăng 14 lớp so năm 2023) lớp đan đát, thủ công mỹ nghệ, nuôi trồng thủy sản, may công nghiệp... thu hút 952 học viên tham gia, trong đó trên 95% lao động có việc làm sau khi hoàn thành khóa học.
Ông Đặng Thanh Quang, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2024, toàn tỉnh đào tạo nghề cho 18.968 người, trong đó, trình độ cao đẳng 676 người, trung cấp 974 người, sơ cấp 7.099 người, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng 10.219 người. Thông qua đó, tạo việc làm cho 32.180 người, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 544 người.
Bằng việc huy động nhiều nguồn lực, sự nỗ lực vươn lên của hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến nay, toàn tỉnh còn lại 4.484 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,34% dân số (giảm 4.042 hộ so với năm 2023, tương đương giảm 1,2%), hộ cận nghèo còn 17.084 hộ, chiếm tỷ lệ 5,10% (giảm 4.569 hộ so với năm 2023).
Năm 2025, Sở tiếp tục tham mưa cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện hiệu quả các nguồn lực để giảm nghèo, xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Tỉnh đặt mục tiêu cụ thể, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76,5%, lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 45,9%, lao động đang làm việc so với tổng số lao động trong độ tuổi là 84,5%. Đồng thời, giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 0,1%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo Khmer giảm 0,2%/năm.