Huyện Phú Lương giảm nghèo nhờ đa dạng hóa sinh kế

Trong những năm qua, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đã có nhiều nỗ lực trong công tác giảm nghèo bền vững, hiệu quả là việc đa dạng hóa sinh kế và tạo cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Nhờ những giải pháp cụ thể, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

Xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, từ hơn 3 tỷ đồng nguồn ngân sách hỗ trợ dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo năm 2022 - 2023, huyện Phú Lương đã phê duyệt 6 dự án, thực hiện 7 mô hình tại 5 xã gồm: Nuôi bò lai Sind tại xã Yên Trạch, Động Đạt; nuôi trâu sinh sản tại xã Phủ Lý, Ôn Lương; nuôi dê lai sinh sản tại xã Yên Đổ.

Trong đó, có 5 dự án thực hiện tại 5 xã theo phương thức cộng đồng; 1 dự án thực hiện tại 2 xã theo phương thức giao nhiệm vụ cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.

Theo đó, 111 hộ được hỗ trợ thụ hưởng từ dự án gồm 81 hộ nghèo, 19 hộ cận nghèo và 11 hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng. Các hộ này đã nhận 43 con trâu sinh sản, 52 con bò sinh sản và 160 con dê sinh sản.

Ông Đàm Xuân Lênh, ở xóm Thâm Trung, xã Ôn Lương là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ 1 con trâu sinh sản từ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông Lênh chia sẻ: "Con trâu được hỗ trợ rất khỏe mạnh, ăn tốt. Ngoài ra, cán bộ thú y cũng thường xuyên đến nhà để hướng dẫn tôi cách chăm sóc đúng kỹ thuật, trâu lớn nhanh trông thấy, không lâu nữa trâu sinh sản sẽ tăng thêm thu nhập cho gia đình tôi".

Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo là những “đòn bẩy” đắc lực giúp các xã, thị trấn nhanh chóng giảm số hộ nghèo, cận nghèo, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê ở xã Yên Đổ, Động Đạt, Yên Trạch, Phủ Lý, Ôn Lương đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có cơ sở thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh
Ông Phan Thanh Dụng, xóm Cây Thị, xã Ôn Lương phấn khởi khi được nhận hỗ trợ con trâu khỏe mạnh, mau lớn.

Trước khi hỗ trợ con giống, huyện Phú Lương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến nội dung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo tới tất cả các xã, thị trấn. Đồng thời, yêu cầu các địa phương rà soát đối tượng đủ điều kiện, đăng ký nhu cầu và dự kiến hình thức hỗ trợ dự án.

Theo đó, huyện đã tổ chức 12 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăm sóc, phòng và trị bệnh cho đàn vật nuôi; 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực; tổ chức 6 cuộc thăm quan học tập kinh nghiệm cho 140 hộ và 12 cán bộ quản lý dự án cấp xã… Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã cải tiến phương thức chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh việc chú trọng chăn nuôi, Phú Lương còn có thêm lợi thế về phát triển cây chè bởi huyện là địa phương đứng thứ hai trong toàn tỉnh về sản lượng chè búp tươi với hơn 45 nghìn tấn/năm. Cây chè được xác định là cây mũi nhọn, đóng góp quan trọng trong việc thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi Phú Lương và đời sống của người dân.

Xã Phú Đô, huyện Phú Lương có khoảng 70% số hộ thu nhập ổn định từ chè với thu nhập bình quân đạt trên 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình mỗi năm gần 2%.

Toàn xã hiện có hơn 700 ha chè, trong đó có trên 140 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và nhiều diện tích chè hữu cơ, sản lượng búp tươi đạt hơn 7,3 nghìn tấn/năm, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 35 tấn chè búp khô, giá trị trên 4 tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Người dân xã Phú Đô, huyện Phú Lương phát triển kinh tế ổn định từ cây chè.

Anh Hoàng Văn Tuấn, xóm Phú Thọ, xã Phú Đô cho biết, thu nhập từ chè của người dân trong xóm ngày càng nâng cao nhờ được tham gia các lớp tập huấn sản xuất, chế biến chè theo công nghệ sạch, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc…

Cũng nhờ vậy mà cây chè cho năng suất, chất lượng cao, dễ tiêu thụ và được giá hơn so với cách làm truyền thống trước đây, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân. 

Chú thích ảnh
Nhờ áp dụng phương pháp trồng chè theo hướng hữu cơ anh Hoàng Văn Tuấn (áo trắng) đã có nguồn thu nhập cao và ổn định.

Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, Dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã có những ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tác động rất lớn đến diện mạo nông thôn, đặc biệt là với kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế đã được thay đổi đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quá trình phát triển và hiện đại hóa nông thôn.

Nhờ đó mà tỉ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm bình quân 1,36% hộ nghèo mỗi năm.

Huyện Phú Lương đặt mục tiêu giảm từ tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3,4% vào cuối năm 2025, góp phần vào hoàn thành mục tiêu giảm nghèo chung của tỉnh.

Minh Huy
Thái Nguyên có gần 5.500 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ
Thái Nguyên có gần 5.500 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ

Tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 7.000 ha chè ứng dụng công nghệ trong sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN