Sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp dọc kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau

Chỉ mới đầu mùa mưa nhưng tình hình sạt lở ven sông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã bắt đầu diễn biến phức tạp, khó lường. Đáng lo ngại là tình trạng này diễn ra với tần suất ngày càng nhiều, cùng với đó là mức độ thiệt hại cũng gia tăng. Điều này khiến người dân sống ven các tuyến sông luôn bất an.

Chú thích ảnh
Một đoạn sạt lở tuyến đường bê tông và đất của các hộ dân dọc bờ sông Kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau. Ảnh: TTXVN phát

Ông Huỳnh Thanh Toàn, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Giá Rai (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trên địa bàn tiếp tục xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng dọc kênh xáng Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn qua các xã Tân Phong, Phong Thạnh) và phường Hộ Phòng (thị xã Giá Rai).

Cụ thể, từ ngày 6 - 16/5/2024, tại các xã Tân Phong, Phong Thạnh A và phường Hộ Phòng xảy ra sạt lở và xuất hiện các vết nứt đất có nguy cơ sạt lở tiếp theo, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và gây hư hại nhiều tài sản của người dân sống tại các khu vực này. Cụ thể, 7 căn nhà bị sạt lở nhà sau hoàn toàn, tổng chiều dài đất nhà ở bị sạt lở là 37 m; 30 căn nhà bị ảnh hưởng (xuất hiện các vết nứt), có nguy cơ sạt lở rất cao, tổng chiều dài đoạn có nguy cơ sạt lở khoảng 152 m. Tại hạ lưu cống Sư Son có 40 m sạt lở; trong đó sạt lở hoàn toàn 20 m.

Nguyên nhân được xác định là do dòng chảy các khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở tập trung vào bờ. Khu vực có khả năng đang xuất hiện cung trượt sâu. Thời điểm xảy ra sạt lở là thời kỳ triều kém, cao trình mực nước trên kênh xuống thấp. Và sạt lở còn do cộng hưởng tải trọng của nhà các hộ dân (xây dựng nhà lấn chiếm bờ sông và đóng cọc đổ sàn bê tông lấn ra lòng kênh).

Ông Huỳnh Thanh Toàn thông tin thêm, sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã kịp thời cử lực lượng xuống địa bàn giúp các hộ dân dọn dẹp hiện trường thiệt hại, di dời đồ đạc và cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở. Chính quyền địa phương đang khẩn trương thống kê, đánh giá mức độ thiệt hại để tiến hành hỗ trợ các hộ dân sớm khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống, sản xuất.

Theo phản ánh của người dân sinh sống dọc bờ sông Bạc Liêu - Cà Mau (đoạn qua phường Hộ Phòng và xã Tân Phong, thị xã Giá Rai), tình trạng bờ sông sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại và ngày càng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Các điểm sạt lở bờ sông khá rộng, kéo dài; nguy hiểm hơn là sạt lở cứ lấn sát vào nhà của người dân và các công trình xây dựng.

Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu, những năm qua, thị xã Giá Rai là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do tình trạng sạt lở đất ven sông trong mùa mưa bão. Để kịp thời khắc phục tình hình sạt lở nêu trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị, các đơn vị chức năng của thị xã Giá Rai và các địa phương có sạt lở khẩn trương thống kê thiệt hại, mức độ thiệt hại để có phương án xem xét, hỗ trợ kinh phí đối để các hộ dân sớm ổn định đời sống, sản xuất. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để các hộ dân sinh sống ở khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở chủ động trong công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại nếu sạt lở tiếp tục xảy ra.

Để hạn chế sạt lở, giảm nhẹ thiệt hại, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã có kế hoạch về thực hiện đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2030. Kế hoạch xác định, trên địa bàn tỉnh có 39 khu vực sạt lở bờ sông và 4 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở là 596,9 km. Do đó, tỉnh cần thực hiện 50 danh mục dự án, công trình với số tiền đầu tư đến năm 2030 là 19.257 tỷ đồng.

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông đang đến mức báo động nhưng giải quyết vấn đề không đơn giản bởi khó nhất vẫn là kinh phí hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, ngân sách tỉnh chưa đủ khả năng cân đối nguồn vốn để triển khai các dự án chống sạt lở bờ sông. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ địa phương để thực hiện dự án đầu tư cấp bách đối với 6 khu vực sạt lở nguy hiểm và phòng, chống triều cường, bảo vệ sản xuất.

Chanh Đa (TTXVN)
Mưa lớn gây sạt lở đất ở Cao Bằng
Mưa lớn gây sạt lở đất ở Cao Bằng

Trong hai ngày 15 - 16/5, mưa lớn diện rộng diễn ra tại huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình; khu vực huyện Hà Quảng, Hòa An (tỉnh Cao Bằng), lũ đã xuất hiện trên các sông, suối gây sạt lở đất, đá tại các địa phương trên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN