Ông Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế: Nhiều loài dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt
Một trong những quan điểm phát triển ngành Dược được đề cập tới trong Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất thuốc. Chiến lược đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 phấn đấu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm, trong đó thuốc từ dược liệu chiếm 30%.
Trong thời gian qua, ngành Dược đã đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước với tỷ lệ gần 90%. Tình trạng nuôi trồng và khai thác dược liệu ở nước ta còn tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến sản lượng dược liệu không ổn định, giá cả biến động. Tình trạng khai thác dược liệu quá mức mà không đi đôi với việc tái tạo, bảo tồn dược liệu đã dẫn đến số lượng loài cây dược liệu có khả năng khai thác tự nhiên còn rất ít (trên cả nước hiện chỉ còn khoảng 206 loài cây dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên), nhiều loài cây dược liệu quý hiếm trong nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Dược liệu không được sản xuất theo quy trình, quy hoạch cụ thể (trồng lẫn với vùng trồng lúa và hoa màu, kỹ thuật trồng và chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm, việc sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực phẩm, nguồn nước tưới… còn tuỳ tiện, thu hái dược liệu không tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây) làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu, qua đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng thuốc sản xuất từ dược liệu. Chưa áp dụng đúng mức thành tựu của khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa sản xuất thuốc từ dược liệu.
Tôi mong muốn, chính sách thu hút đầu tư của các tỉnh sẽ kêu gọi được nhiều nhà đầu tư tham gia vào công tác phát triển dược liệu để tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, vừa góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dược liệu và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý Dược (Bộ Y tế): Còn hạn chế về phát triển cây dược liệu
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về cây dược liệu trong khu vực Đông Nam Á. Điều này thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại cây dược liệu (trong số hơn 12.000 loài thực vật Việt Nam thì có gần 4.000 loài cho công dụng làm thuốc), vùng phân bố rộng khắp cả nước, có nhiều loài dược liệu được xếp vào loài quý và hiếm trên thế giới.
Mặc dù có tiềm năng to lớn, song công cuộc bảo tồn và phát triển các cây dược liệu cũng đang gặp phải một số hạn chế, khó khăn. Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, với xu hướng “trở về thiên nhiên” thì việc sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân ngày càng tăng hơn so với việc sử dụng thuốc tân dược vì nó ít có những tác động có hại và phù hợp với quy luật sinh lý của cơ thể hơn. Tại Việt Nam, nhu cầu dược liệu trong nước khoảng gần 60.000 tấn/năm, trong khi đó Việt Nam mới chỉ cung cấp được cho thị trường khoảng 15.600 tấn/năm, phần còn lại (khoảng 70%) phải nhập khẩu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore…
Núi Cà Đam nằm trên địa bàn huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) có độ cao trên 1.400 m so với mực nước biển, quanh năm khí hậu mát mẻ nên nơi đây hội đủ điều kiện phát triển du lịch sinh thái, đồng thời phát triển mô hình trồng dược liệu quý như sâm 7 lá và các loại rau, củ, quả ôn đới. |
Ví dụ điển hình về dược liệu quý hiếm ở nước ta là Sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh là loại sâm có hàm lượng Saponin rất cao, cao hơn Sâm Triều Tiên. Tuy nhiên, thực tế là, trong khi người Hàn Quốc với lợi thế về khoa học kĩ thuật từ lâu đã ứng dụng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng, sản xuất được nhiều loại sản phẩm khác nhau từ Sâm Triều Tiên và mang lại lợi nhuận nhiều tỷ USD thì cây Sâm Ngọc Linh ở nước ta mới chỉ đang trong giai đoạn nghiên cứu bước đầu. Tương tự, cây linh chi Việt Nam có chất lượng cũng cao hơn linh chi Hàn Quốc nhưng chưa phát huy triệt để được hiệu quả chữa bệnh cũng như hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho nhân dân. Đây là những ví dụ cho thấy rõ những hạn chế về việc phát triển cây dược liệu của Việt Nam. Một thực trạng nữa là hiện chúng ta vẫn đang loay hoay với phát triển nguồn nguyên liệu tân dược trong nhiều năm qua mà vẫn chưa có nhiều kết quả.
Ông Châu Văn Đồng, khu phố 1, phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa (Phú Yên): Trồng cây dược liệu chothu nhập cao
Gia đình tôi trồng một ha cây Diệp hạ châu, trồng dược liệu không mất công nhiều, chi phí đầu tư cũng chỉ như cây lúa và các loại cây khác. Một ha Diệp hạ châu bình quân đạt sản lượng khoảng 80 tấn/năm (4 - 5 vụ/năm); với giá thị trường hiện tại là trên 4.000 đồng/kg, gia đình tôi có doanh thu khoảng 320 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí sản xuất, thu lãi khoảng 180 triệu đồng/năm.
Hiện nay, tại Phú Yên có 110 hộ dân ở 3 huyện Đông Hòa, Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa canh tác khoảng 50 ha cây dược liệu, gồm các loại: Diệp hạ châu, Tần dày lá, Cỏ mực, Râu mèo và Rau đắng. Các loại cây trồng được cung ứng cho Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa. Để đảm bảo chất lượng dược liệu cung ứng cho thị trường, các gia đình đều được Trung tâm tập huấn các quy trình trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn VIETGAP. Trong suốt quá trình canh tác cho đến khi thu hoạch (từ tháng 2 - tháng 9) Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống giám sát quy trình canh tác và thu hoạch của các hộ dân. Trung tâm còn cung cấp nguồn giống cho các hộ dân để có được nguồn nguyên liệu đồng loại, quản lý được thời vụ và quản lý sâu bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hòa, TP Plâycu (Gia Lai): Lao đao vì trồng cây dược liệu theo phong trào
Thấy trồng dược liệu có thu nhập cao, nhiều người dân đua nhau đầu tư trồng nấm linh chi, trinh nữ hoàng cung… hình thành phong trào nông dân trồng cây dược liệu.
Chấp nhận bỏ ra số vố đầu tư khá lớn để trồng cây dược liệu với mong muốn sau vụ đầu có thể thu lại vốn lẫn lời, thế nhưng, càng trồng người dân càng thấy “lao đao”. Trung bình đầu tư một nhà xưởng trồng nấm linh chi mất hơn 70 triệu đồng nhưng họ vẫn làm, ai không có thì đi vay mượn. Hầu hết người dân tự trồng mà không theo kỹ thuật nào, chủ yếu truyền dạy kinh nghiệm cho nhau, dẫn đến nấm trồng ra bị hư hao rất nhiều (có người bị hư đến 80 - 90%). Những cây nấm tốt lại không có nơi thu mua vì không ký được hợp đồng với các công ty dược liệu cho nên người dân phải bán lẻ trên thị trường với giá rất rẻ.