Qua đó, phát hiện cây ba kích mọc rải rác ở tiểu khu 120, 98, 71 và 72, còn cây sa nhân tím mọc theo đám ở hầu hết các tiểu khu và khu vực điều tra thuộc các khu rừng của 2 huyện Quan Hóa và Mường Lát. Hiện cán bộ dự án đã xây dựng được giải pháp bảo tồn, phát triển hai loài dược liệu quý này.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu cho hay: Sau hơn 4 năm thực hiện dự án, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã xác định được hiện trạng phân bố và một số đặc điểm sinh thái học của 2 loài dược liệu quý ba kích và sa nhân tím. Đồng thời, tổ chức các hội nghị, ký cam kết bảo vệ tại 40 thôn, bản thuộc vùng đệm Khu bảo tồn, cán bộ dự án đã tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết về các loài dược liệu trong việc bảo tồn, phát triển hai loài cây dược liệu quý ba kích và sa nhân tím cho người dân, học sinh.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đã xác định được các mối đe dọa hai loài cây này chủ yếu từ khai thác lâm sản ngoài gỗ quá mức, lấn chiếm đất mở rộng diện tích canh tác, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăn thả gia súc và khai thác lâm sản ngoài gỗ quá mức. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để tìm ra được các giải pháp bảo tồn 2 loài cây quý ba kích và sa nhân tím.
Hiện dự án đã xây dựng được mô hình trồng 2 loài cây dược liệu quý dưới tán rừng khu bảo tồn tại khoảnh 5, tiểu khu 98 và khoảnh 5, tiểu khu 111, thuộc địa bàn huyện Quan Hóa. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nhân giống, chăm sóc hiệu quả, tới nay cán bộ dự án đã trồng được khoảng 7.500 cây sa nhân tím và 5.000 cây ba kích, qua đó bảo tồn và phát triển được 2 loài cây dược liệu quý này.
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, cây ba kích (Morinda officinalis How) thuộc họ cà phê, cây sống lâu năm, chịu bóng, mọc tốt ở các vùng đất khác nhau kể cả nơi đất nghèo kiệt. Cây còn có khả năng leo bám vào cây khác hoặc tự cuốn tạo thành bụi lớn. Ba kích thường được trồng ở một số tỉnh như Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Hòa Bình. Trong y học, cây có nhiều tác dụng làm thuốc chữa bệnh như bổ não, thận hư, liệt dương, phong thấp, thần kinh suy nhược, mất ngủ, tiểu tiện không tự chủ, kinh nguyệt không đều, ho suyễn, tiêu chảy.
Còn cây sa nhân tím (Amomum Longiligulare T.L.Wu) thuộc họ gừng, là một loại cỏ, gần giống như cây giềng, cao từ 2-3m. Sa nhân tím thường mọc hoang và được trồng ở các tỉnh miền núi Việt Nam, được xem như một vị thuốc kích thích, giúp cho sự tiêu hóa tốt, thường chữa được các bệnh như đau bụng, đầy bụng, ăn không tiêu, tả lỵ, một số nơi còn dùng cây sa nhân tím làm gia vị và chế biến mùi rượu.
Việc thực hiện thành công dự án đã giúp Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu đưa ra các giải pháp để bảo tồn, phát triển quần thể các loài cây dược liệu quý hiếm và cũng là cơ sở thông tin dữ liệu quan trọng để nhân rộng mô hình trồng, chăm sóc 2 loài dược liệu này có hiệu quả tại các thôn, bản vùng đệm trong thời gian tiếp theo, qua đó bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, tăng độ che phủ của rừng, bảo vệ đất, chất lượng môi trường được cải thiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị cao để nâng cao thu nhập cho người dân khu vực miền núi.