Tạo động lực để phụ nữ vùng Tây Bắc làm kinh tế

Nỗ lực vượt khó

Những năm gần đây, vượt qua rào cản của xã hội, bản thân mỗi chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc đã dần ý thức thoát khỏi tư tưởng an phận, vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo và làm giàu cho gia đình, đóng góp xây dựng quê hương.

Xóa bỏ tâm lý ỉ lại

Phụ nữ vùng Tây Bắc chiếm 51% dân số vùng Tây Bắc, là lực lượng lao động đông đảo, có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội các địa phương. Chị em phụ nữ đã nỗ lực vượt khó, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, vừa hoàn thành vai trò và thiên chức “giữ lửa” trong gia đình, vừa tham gia làm kinh tế, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cho biết, vùng Tây Bắc hiện có 3.700 doanh nhân nữ, 262 hợp tác xã và tổ liên kết do nữ làm chủ, doanh nghiệp nữ chiếm khoảng 25%. Trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chị em phụ nữ đã bứt phá khỏi những phương thức sản xuất lạc hậu, mạnh dạn vay vốn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo công ăn việc làm cho lao động trên địa bàn và mang lại hiệu quả kinh tế. Với nhiều cách làm phong phú, đa dạng, sáng tạo trong xây dựng các mô hình mới, các chị đã góp phần tạo nên những thương hiệu riêng cho các sản phẩm. Sau mỗi thành quả lao động của các chị là cả câu chuyện dài về ý chí nỗ lực vươn lên, là tinh thần dám nghĩ, dám làm, là nghị lực vượt qua đói nghèo đeo đẳng để vươn lên làm giàu.

Hợp tác xã Dệt may thổ cẩm huyện Than Uyên (Lai Châu) đã tạo công ăn việc làm cho hơn 50 hội viên phụ nữ dân tộc.

Chị Bàn Thị Thành, dân tộc Dao ở thôn Tân Thành, xã Nông Thượng, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn là tấm gương điển hình vươn lên làm kinh tế từ hai bàn tay trắng. Chị Thành cho biết, trước kia gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, phải lo lắng bữa ăn hàng ngày. Tham gia Hội Phụ nữ, được cán bộ động viên và hướng dẫn cách chăn nuôi, trồng trọt, năm 1989, chị mạnh dạn vay vốn nuôi lợn phát triển kinh tế gia đình. Mua được lợn rồi, nhưng lo lắng chăm sóc nó như thế nào là việc không dễ gì đối với cảnh nghèo như nhà chị. Nhiều đêm suy tính, chị nghĩ cách trồng cây chuối tây để lấy thân băm nhỏ làm thức ăn cho lợn.

Trời không phụ người khó, mấy bụi chuối quanh nhà cho quả trĩu cây, nên chị Thành vừa có quả bán vừa có thân chuối làm thức ăn chăn nuôi. Thấy hiệu quả, chị vay 30 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội và học hỏi kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, rồi mua giống, mở rộng diện tích trồng chuối. Sản phẩm của chị dần đến được các thị trường ngoài tỉnh. Năm 2000, sản phẩm chuối tây của chị đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Với mong muốn giúp chị em thoát nghèo, gia đình chị mua xe ô tô trọng tải 3,5 tấn và 70 triệu đồng mua giống cây chuối con đưa đến hỗ trợ cho nhiều chị em có gia đình khó khăn. Năm 2015, gia đình chị có thu nhập 1,6 tỉ đồng. Hiện chị Thành tạo việc làm ổn định cho 7 lao động, trung bình hàng năm giúp trên 20 hộ với số vốn, giống trên 100 triệu đồng.

Chị Lý Thị Sẩy, dân tộc Mông, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) là tấm gương vượt khó để phát triển kinh tế và bảo tồn nghề may trang phục truyền thống dân tộc. Những năm về trước, cuộc sống của gia đình chị Sẩy gặp nhiều khó khăn, nhớ lời dạy của mẹ phải yêu và giữ gìn trang phục truyền thống nên chị quyết định mở cửa hàng nhỏ buôn bán váy áo dân tộc Mông. Nhờ hỗ trợ của Hội Phụ nữ, chị Sẩy vay 30 triệu đồng nguồn vốn ngân hàng, cộng thêm số tiền tích góp được để làm nhà xưởng và mua máy móc thuê chị em phụ nữ trong vùng làm. Những bộ váy áo từ cửa hàng của chị được chị em trong huyện, các tỉnh lân cận ưa chuộng và nhận đặt hàng nhiều hơn. Cơ sở dần mở rộng và tạo việc làm cho 50 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của thị trấn, thu nhập 5 triệu đồng/tháng/người. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, bình quân chị Sẩy để dành được hơn 200 triệu đồng.

Còn nhiều hạn chế

Với nỗ lực vượt khó để vươn lên làm kinh tế, vị thế và tầm quan trọng trong xã hội của người phụ nữ dân tộc vùng Tây Bắc ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi phụ nữ dân tộc thiểu số còn gặp không ít khó khăn khiến họ ít có cơ hội thể hiện mình và tham gia phát triển kinh tế.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: “Các cơ sở sản xuất của phụ nữ dân tộc vẫn chủ yếu theo hộ gia đình và hiệu quả cạnh tranh thấp, mô hình kinh tế theo nhóm hộ, tổ liên kết, hợp tác xã (HTX) của phụ nữ còn ít. Đặc biệt, nguồn lao động nữ chưa qua đào tạo thấp, chưa đáp ứng yêu cầu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh…”. Theo bà Bùi Thị Hòa, các cấp chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm nên các hộ kinh tế gia đình, cơ sở sản xuất, HTX, công ty… do phụ nữ làm chủ, họ vẫn phải tự thân vận động. Nguồn vốn hạn chế nên khâu tái sản xuất và mở rộng kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

HTX Dệt may thổ cẩm huyện Than Uyên (Lai Châu) thành lập từ năm 2004, hiện là chỗ dựa cho trên 50 hội viên người dân tộc ở địa bàn lúc nông nhàn, thu nhập khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng. Chị Lò Thị Thiên, Chủ nhiệm HTX này cho biết: Chúng tôi tự bươn chải để tìm các đơn hàng nhưng cũng không được nhiều, chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ để bán cho người dân trong vùng. Vốn đầu tư sản xuất và mở rộng quy mô còn thiếu nên xã viên vẫn phải mang sản phẩm về nhà làm, không được hướng dẫn, chỉnh sửa kỹ thuật kịp thời cũng ảnh hưởng đáng kể tới hiệu quả công việc. Chị em trong ban quản trị HTX động viên nhau cố gắng khắc phục khó khăn duy trì sản xuất, vừa để tạo công ăn việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số, vừa gìn giữ và phát huy nghề dệt may thổ cẩm truyền thống của dân tộc.

Bà Bùi Thị Hòa cho rằng, các ban, bộ, ngành Trung ương đến địa phương cần quan tâm và tạo điều kiện, khuyến khích phụ nữ dân tộc tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Mỗi người phụ nữ làm kinh tế giỏi chính là hạt nhân có sức lan tỏa trong phong trào thi đua, tương trợ lẫn nhau giữa các hội viên phụ nữ ở cơ sở.
Việt Hoàng
Tăng cường hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số
Tăng cường hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số

Phát biểu tại “Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc”diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Phát huy vai trò và nâng cao năng lực của phụ nữ các dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải có những giải pháp thiết thực, mang tính chiến lược, lâu dài. Các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương phải chú trọng cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để tạo mọi điều kiện hỗ trợ, khích lệ phụ nữ dân tộc tích cực tham gia làm kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN