Bà Lò Thị Vương, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Cấp Hội thực là chỗ dựa vững chắc cho hội viên
Phụ nữ dân tộc không được gia đình, tổ chức Hội và địa phương động viên, giúp đỡ vay vốn thì rất khó tự xoay sở để làm kinh tế, đời sống nghèo cứ hoàn nghèo và trông chờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Theo bà Lò Thị Vương, cấp ủy và chính quyền, các đoàn thể cần tuyên truyền, vận động và giúp đỡ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên phát triển kinh tế theo cách “cầm tay chỉ việc” thì mới hiệu quả. Nếu không có người đỡ đầu hướng dẫn, để phụ nữ dân tộc tự làm và bứt phá được là rất khó khăn.
Phụ nữ dân tộc La Hủ ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè (Lai Châu) tham gia phát triển kinh tế trang trại. |
Hội Phụ nữ xã, thôn bản đóng vai trò rất quan trọng. Để là người “cầm cương”, vừa đưa ra sáng kiến vừa tổ chức thực hiện, trở thành chỗ dựa vững chắc, tin tưởng cho các hội viên thì không thể làm một cách hình thức, quấy quá cho xong. Cán bộ phải gần gũi hội viên, tổ chức các lớp tập huấn và tham quan, qua đó giúp chị em phụ nữ học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp để làm theo. Trong thôn bản có một mô hình làm kinh tế giỏi thì người khác sẽ học theo cách đó mà làm. Người này thành công sẽ quay lại giúp đỡ người kia, từ đó phát triển ý thức đoàn kết, tương trợ lẫn nhau cùng vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và làm giàu quê hương.
Bà Lữ Thị Huyền Mai ở bản Áng 2, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La): Hỗ trợ phụ nữ vay vốn và đào tạo nghề
Năm 2008, bà Lữ Thị Huyền Mai là người đầu tiên đưa ra sáng kiến làm du lịch cộng đồng ở huyện Mộc Châu. Từ hai bàn tay trắng, bà Mai phải vay mượn nguồn vốn để làm nhà sàn, công trình vệ sinh đón tiếp khách du lịch. Có thời gian, do hỏa hoạn, nhà cháy rụi, kinh tế tưởng chừng suy sụp, bản thân chị vẫn vững vàng, tiếp tục vay ngân hàng làm lại.
Từ kinh nghiệm của bản thân, bà Mai cho rằng, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện để nhiều chị em phụ nữ được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, lâu dài. Người nào đã làm kinh tế rồi thì tiếp tục được vay vốn nhiều hơn, để đầu tư mở rộng sản xuất, lợi nhuận sẽ tăng lên. Đời sống bà con dân tộc rất khó khăn, để tự xoay sở kinh phí đầu tư chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất… là khó thành hiện thực. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải thực hiện “bình đẳng giới”, để phụ nữ dân tộc thiểu số được hưởng quyền lợi chính đáng của mình như: học tập, tham gia cấp ủy và chính quyền, tham gia các phong trào xã hội…
Bà Lữ Thị Huyền Mai mong muốn, huyện và tỉnh hỗ trợ mở nhiều lớp dạy nghiệp vụ du lịch để người dân tham gia, gây dựng phong trào người người và nhà nhà làm du lịch cộng đồng. Được đào tạo bài bản, gia đình làm du lịch không mang tính chộp giật, “được chăng hay chớ”, dần nâng cao giá trị cung cấp sản phẩm du lịch của địa phương tới du khách.
Bà Lùng Thị Ùm, dân tộc Kháng ở huyện Mường Nhé (Điện Biên): Giúp tìm đầu ra cho sản phẩm
Gia đình thuộc diện hộ nghèo, quanh năm không đủ ăn, nhà cửa tạm bợ, con cái không có điều kiện đi học… Trăn trở trước những khó khăn, bà Lùng Thị Ùm luôn phải nghĩ cách làm thế nào để vươn lên thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn. Năm 1995, bà vay ngân hàng 15 triệu đồng, đầu tư mua giống lợn, gà và mở rộng diện tích sản xuất để thực hiện mô hình kinh tế trang trại. Ngày đầu làm gặp không ít vất vả, nhưng hiện nay đã ổn định, mỗi năm trừ các khoản chi phí, bà Ùm để dành hơn 200 triệu đồng.
Bà Lùng Thị Ùm cho biết: Chị em phụ nữ dân tộc ở vùng sâu vùng xa, trình độ hạn chế, tham gia làm kinh tế hộ gia đình gặp không ít khó khăn để tìm đầu ra cho sản phẩm, vì vậy hiệu quả kinh tế không cao, việc kinh doanh chỉ cầm chừng. Chính quyền địa phương cần quan tâm tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, du lịch, sản phẩm đan lát, dệt… để kết nối với các công ty, doanh nghiệp, tìm đầu ra và xây dựng chuỗi liên kết bền vững cho người dân. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp chị em phụ nữ mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho lao động của địa phương.
Chị Hoàng Thị Phượng, dân tộc Thái ở xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái): Phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm cho phụ nữ dân tộc
Nhận thấy tiềm năng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, chị Hoàng Thị Phượng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng và huy động nguồn vốn của người thân để đầu tư nâng cấp nhà ở, mua sắm trang thiết bị thiết yếu phục vụ khách du lịch. Làm ăn có uy tín nên hàng năm lượng khách du lịch đến với gia đình chị ngày một tăng. Năm 2015, trừ các khoản chi phí, tổng thu nhập từ làm du lịch đạt 200 triệu đồng…
Theo chị Phượng, phát triển mô hình du lịch cộng đồng là cơ hội lớn để tạo việc làm cho chị em phụ nữ dân tộc. Tuy nhiên, xã Nghĩa An nói riêng, thị xã Nghĩa Lộ nói chung mức độ tham gia của cộng đồng vào phát triển du lịch vẫn chỉ mức cung cấp các dịch vụ nhỏ lẻ. Việc tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch và lập chương trình cho các tuyến, chương trình du lịch cộng đồng chưa được chính quyền quan tâm thỏa đáng. Đặc biệt, chính quyền chưa có các chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư vào du lịch, thay vào đó là việc đô thị hóa, bê tông hóa cảnh quan làng quê, dẫn tới mất dần sự lôi cuốn của du khách.