Kiện toàn cơ quan thường trực Theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp là các đồng chí Trưởng ban, vai trò trách nhiệm của các thành viên kiêm nhiệm tại các Ban chỉ đạo ngày càng được phát huy gắn với nhiệm vụ chính trị của các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ dự và chủ trì Hội nghị chuyên đề công tác dân tộc, tôn giáo, an ninh quốc phòng trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ tháng 8/2016. Ảnh: Trung Hiếu-TTXVN |
Cơ quan Thường trực của ba Ban chỉ đạo được kiện toàn, củng cố và từng bước đổi mới công tác quản lý, điều hành. Chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tiếp tục được nghiên cứu vận dụng thực hiện. Cơ sở vật chất, tài chính, phương tiện, trụ sở làm việc của các Ban chỉ đạo được quan tâm, đáp ứng nhu cầu hoạt động.
Ba ban đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn ba vùng; tiếp tục lựa chọn những vấn đề trọng tâm, cấp bách để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Nổi bật trong chương trình công tác của ba ban trong hơn một năm qua là: Đã phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức thành công nhiều diễn đàn, hội nghị, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và an sinh xã hội, qua đó thu hút được nhiều nguồn lực cho phát triển kinh tế và hỗ trợ an sinh xã hội cho người nghèo trên địa bàn ba vùng. Kịp thời kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống thiên tai, hạn hán, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, góp phần giảm thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ tài nguyên môi trường, đánh giá tác động của các chương trình, dự án kinh tế. Bước đầu triển khai nghiên cứu liên kết phát triển kinh tế vùng; đôn đốc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Kịp thời đề xuất quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy điện, thủy lợi. Tăng cường chỉ đạo công tác tín dụng chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; công tác ổn định dân cư; giải quyết đất ở, đất sản xuất và giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số cùng với nhiều vấn đề quan trọng khác, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, cải thiện đời sống của nhân dân ở địa bàn ba vùng.
Các Ban chỉ đạo cũng tăng cường chỉ đạo xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; đẩy mạnh thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; chủ động nắm tình hình, đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an toàn tuyệt đối Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Ổn định kinh tế ở ba vùng Trong 1 năm qua, huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả ba vùng đều tăng nhanh, tình hình thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến. Các hoạt động tín dụng được đẩy mạnh, góp phần vào việc thúc đẩy sản xuất và hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH. Đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải trong năm qua tiếp tục được quan tâm đầu tư khá đồng bộ.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả quan trọng. Qua hơn 5 năm thực hiện, ở ba vùng đã xây dựng hàng nghìn mô hình tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới và số chỉ tiêu trung bình các xã đạt được đều tăng khá. Sản xuất nông nghiệp tuy bị tác động do hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại trên 10.000 tỷ đồng đối với sản xuất nông nghiệp (nhất là Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) nhưng về cơ bản vẫn phát triển khá ổn định. Tính đến tháng 6/2016, Tây Nguyên có 179.589 ha cây trồng bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó lúa nước 17.420 ha; cà phê 134.594 ha; hồ tiêu 7.232 ha; ước tổng thiệt hại khoảng 5.431 tỷ đồng. Khô hạn đã làm cho 69.919 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt.
Ba địa bàn đều đã phát huy được lợi thế của những vùng sinh thái đặc thù để phát triển các sản phẩm mũi nhọn đứng đầu trong cả nước, như lúa gạo, thủy sản, cà phê, rau, hoa, cây ăn trái và các cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc ôn đới... Cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển đổi và mở rộng; có nhiều mô hình đầu tư thâm canh áp dụng công nghệ cao, không ngừng tăng giá trị sản xuất trên một héc-ta đất canh tác, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Kinh tế biển đã có bước phát triển đáng kể, đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế của đất nước. Dịch vụ sản xuất, tiêu dùng của nhân dân và các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu... đều phát triển khá nhanh. Công tác cung ứng hàng hóa cho dân cư vùng sâu, vùng xa có nhiều tiến bộ. Đáng chú ý là xuất khẩu từng bước mở rộng thị trường và tăng dần xuất khẩu trực tiếp.
Theo lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, công tác an sinh xã hội được tập trung chăm lo khá tốt. Các cấp, các ngành quan tâm thực hiện, triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ sản xuất, giúp đỡ người nghèo ổn định đời sống. Thực hiện chính sách dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, cả ba vùng đã tập trung đầu tư, hỗ trợ sản xuất, đời sống cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS), từng bước thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS. Nhiều chủ trương, giải pháp hỗ trợ sản xuất, giảm nghèo bền vững đã được triển khai, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở các địa bàn nông thôn đồng bào DTTS. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Bắc còn 14,96%, Tây Nguyên còn 7,3%, Tây Nam Bộ còn 3,54% (cả nước 4,5%)...
Vẫn còn nhiều thách thứcTuy vậy, khó khăn chung hiện nay ở địa bàn ba vùng là quy mô, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhỏ, yếu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng nhưng chưa phát triển vì thiếu nguồn lực và sự liên kết. Kết cấu hạ tầng KT-XH tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển KT-XH, làm giảm khả năng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Thực trạng chung là đường sá chất lượng thấp, hạ tầng công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu của đời sống dân cư cũng như sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế. Nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu và giải quyết đầu ra cho nông sản. Hiện nay về cơ bản, nông nghiệp ở Tây Bắc và Tây Nguyên vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng bằng cách mở rộng diện tích, khai thác tài nguyên, thiếu kiểm soát dẫn đến mất cân bằng, gây nên những tác động xấu cho môi trường.
Chất lượng nguồn nhân lực và trình độ của đội ngũ lao động ở cả ba vùng thấp. Cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa ở vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, nhất là chất lượng giáo dục, đào tạo học sinh DTTS, vùng sâu, vùng xa chậm cải thiện. Công tác dạy nghề còn nhiều bất cập, chưa thực sự đóng góp hiệu quả vào giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Việc phòng chống dịch bệnh còn khó khăn; một bộ phận dân cư chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế. Việc thực hiện chính sách dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Nguồn lực đầu tư cho thực hiện chính sách dân tộc phân tán. Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào nghèo cũng như công tác giảm nghèo bền vững ở vùng DTTS chưa có nhiều giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm phát triển ngành nghề, giảm nghèo bền vững. Tình hình dân di cư tự do và việc quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do tiếp tục là vấn đề bức xúc, nhất là ở Tây Bắc và Tây Nguyên.
Giá trị tổng sản phẩm (GRDP) năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 tại ba vùng chiến lược duy trì mức tăng trưởng khá. GRDP vùng Tây Bắc, năm 2015 tăng 8,6%, 6 tháng đầu năm 2016 tăng 6,98%; vùng Tây Nguyên tăng 7,1% và 6%; vùng Tây Nam Bộ tăng 7,8% và 6,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông lâm nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người từng bước được thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân đầu người của cả nước. |