ĐBSCL Xây dựng thương hiệu gạo Việt:

Nâng cao giá trị hạt gạo

Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của quốc gia, những năm gần đây mục tiêu sản xuất lúa gạo với sản lượng lớn không còn là chủ đạo, mà việc tạo ra giá trị nhiều hơn để nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình được xem là “kim chỉ nam” trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những bước đi tích cực nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo. 

Tăng sử dụng giống xác nhận

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 5 năm (2007 - 2013), tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận (sản xuất từ hạt giống lúa nguyên chủng với độ thuần và tỷ lệ nảy mầm cao) tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không ngừng nâng lên. Nếu như năm 2007, nhu cầu toàn vùng cần khoảng 450.000 tấn giống lúa xác nhận nhưng tỷ lệ đáp ứng chỉ đạt 30% (trong đó hệ thống chính quy sản xuất đạt 8% và hệ thống nông hộ sản xuất đạt 22%) thì năm 2013 nhu cầu toàn vùng cần 500.000 tấn và tỷ lệ đáp ứng đã tăng lên 40% (trong đó hệ thống chính quy sản xuất đạt 15% và hệ thống nông hộ sản xuất đạt 25%).

Nông dân Huỳnh Văn Vô thị trấn Thới Lai, thành phố Cần Thơ bên đống lúa vừa được gặt về. Ảnh: Chanh Đa - TTXVN

Còn tính đến các vụ lúa trong năm 2015, tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong sản xuất tại một số tỉnh như Bạc Liêu đạt trên 50% (tăng hơn 5% so với năm 2013), Cần Thơ đạt trên 70% (tăng hơn 5% so với năm 2013), Hậu Giang đạt trên 51% (tăng hơn 5% so với năm 2013)… Có được kết quả trên, phải kể đến vai trò chủ lực của Viện lúa ĐBSCL trong việc tăng cường sản xuất và quản lý giống lúa các cấp. Hiện Viện lúa ĐBSCL có hơn 200 ha diện tích để nhân giống lúa các cấp, phục vụ sản xuất cho khu vực ĐBSCL.

Theo đó, mỗi vụ, Viện duy trì từ 20 - 30 loại giống gốc trên diện tích 8 ha với sản lượng từ 10 - 15 tấn, nhân giống cấp siêu nguyên chủng khoảng 20 - 25 loại giống trên diện tích 10 ha với sản lượng 18 - 30 tấn, nhân 20 giống cấp nguyên chủng trên diện tích khoảng 60 ha với sản lượng 240 - 300 tấn và sản xuất giống xác nhận cấp 1 cho 12 - 15 loại giống trên diện tích khoảng 130 ha với sản lượng trên dưới 500 tấn. Mỗi năm, Viện lúa ĐBSCL sản xuất tổng lượng khoảng 1.500 tấn lúa giống các cấp để chuyển giao đưa vào sản xuất.

Từ nguồn cung này, Sở NN&PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã đặt hàng và hợp đồng với Viện lúa ĐBSCL về số lượng, chủng loại giống lúa cấp siêu nguyên chủng phù hợp theo từng vụ, từng năm để chủ động trong việc sản xuất giống nguyên chủng và giống xác nhận cung cấp cho nông dân. Cùng với đó, hệ thống nhân giống trong vùng ĐBSCL cũng phát triển mạnh như Trung tâm giống của các tỉnh, thành phố; các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ nhân giống, nông dân sản xuất giống… đã tạo nên mạng lưới sản xuất và cung ứng giống xác nhận ngày một rộng khắp khu vực ĐBSCL.

Theo ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, hiện các trại nhân giống lúa trong tỉnh đã nhân và chuẩn bị được hơn 14.000 tấn lúa giống xác nhận, giống chất lượng cao cho vụ lúa đông xuân 2015 - 2016, cung cấp cho hơn 65% diện tích gieo sạ; lượng giống còn lại nông dân tự mua bán, trao đổi. “Tỉnh Đồng Tháp chú trọng việc đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất những giống lúa mới để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Đồng thời khuyến khích nông dân nhân những giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, thơm, dễ xuất khẩu đưa vào sản xuất”, ông Lợi cho biết.

Còn tại tỉnh Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Liêm cho rằng, tuy giống cấp nguyên chủng chỉ chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 0,5% diện tích gieo trồng lúa của tỉnh, nhưng nó vẫn đảm bảo cho việc sản xuất giống xác nhận cấp 1 và cấp 2 phục vụ cho sản xuất lúa thương phẩm. Riêng giống cấp xác nhận chiếm tỷ lệ 32% áp dụng trong mô hình cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến xuất khẩu.

Cũng theo ông Liêm, để nâng cao chất lượng lúa gạo, mục tiêu đảm bảo 80 - 90% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống xác nhận, năm 2015, ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện xây dựng hệ thống nhân giống lúa nguyên chủng với 36 hợp tác xã, tổ sản xuất, câu lạc bộ nhân giống với quy mô 100 ha sản xuất giống nguyên chủng và 600 ha sản xuất giống xác nhận, gồm các loại giống chủ lực như: OM5451, OM4900, OM6976, OM6162, OM7347, OM4218… Đây là các giống lúa chất lượng cao, kháng sâu bệnh, đáp ứng yêu cầu chế biến gạo xuất khẩu, góp phần mở rộng công tác xã hội hóa giống lúa, cung ứng lúa giống cho dự án cánh đồng mẫu của tỉnh với khả năng cung ứng sản lượng giống khoảng 500 tấn, đáp ứng cho diện tích nhân giống từ 4.000 - 5.000 ha/năm và chủ động 100% nhu cầu giống nguyên chủng cho nhân giống xác nhận.

Góp phần tạo thương hiệu cho gạo Việt

Có thể nói, những nỗ lực của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL nhằm từng bước hiện thực hóa đề án “Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 706/QĐ-TTg tháng 5/2015 là những hành động cụ thể triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Theo đó, việc nâng cao chất lượng giống lúa là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho hạt gạo, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là thành viên tham gia TPP và Cộng đồng chung ASEAN (AEC). Thực tế những năm qua, mặc dù Việt Nam là một quốc gia xuất khẩu gạo đứng trong “top 3” của thế giới, chiếm 20% thị phần toàn cầu, nhưng vị trí đó chưa thể làm cho hạt gạo Việt Nam được nhiều người biết đến. Bởi thực tế nhiều năm qua, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang nằm ở phân khúc trung bình và thấp. Gạo xuất khẩu có chất lượng cao chiếm tỷ trọng thấp, chất lượng gạo chưa đồng đều và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu.

Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cho biết Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 - 7 triệu tấn gạo/năm nhưng lợi nhuận còn thấp, nhất là giá xuất khẩu gạo của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan. Về mặt thị trường, gạo Việt Nam lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ “nóng lạnh” như Trung Quốc. Như vậy, để tạo ra thương hiệu cho hạt gạo, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, ngoài nâng chất lượng giống lúa để nâng cao giá trị xuất khẩu của gạo Việt, tận dụng được các cơ hội do các hiệp định mang lại, thì phải tiếp tục công cuộc thay đổi tư duy sản xuất, chế biến. Đó là xác định rõ quan điểm “tạo dựng niềm tin cho khách hàng” bằng sản phẩm rõ nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chất lượng đảm bảo.

Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL thời gian qua đã có những nỗ lực để thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ, xóa bỏ cách làm ăn chụp giựt bằng việc liên kết 4 nhà, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo ra sản phẩm đồng nhất, chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, mô hình liên kết này đang vấp phải “lực cản”, nhưng cũng qua đó để sàng lọc, định vị những mô hình liên kết thực sự hiệu quả giữa các doanh nghiệp - nông dân, hợp tác xã kiểu mới có năng lực… làm nền tảng động lực cho công cuộc đổi mới ngành lúa gạo của toàn vùng ĐBSCL.

Các chuyên gia ngành nông nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước thúc đẩy, hỗ trợ để chọn lựa ra những giống lúa đặc trưng, ngon nhất của vùng ĐBSCL để tập trung đầu tư phát triển thương hiệu của sản phẩm gạo Việt và quan trọng là cần có “hàng rào kỹ thuật” để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu, bảo vệ cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính và đó cũng là góp phần thay đổi tư duy, đời sống cho người nông dân.
Anh Đức
Góp sức, chung tay của “bốn nhà”
Góp sức, chung tay của “bốn nhà”

Những khó khăn, vướng mắc trong việc nâng cao chất lượng hạt gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tháo gỡ bằng việc chung sức của doanh nghiệp, chính quyền địa phương, Nhà nước và nông dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN