Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Phải kiểm soát được sản xuất, kinh doanh giống
Ngành nông nghiệp phải kiểm soát được sản xuất, kinh doanh giống tại các tỉnh ĐBSCL nhằm đảm bảo nông dân sản xuất lúa bằng các giống cấp xác nhận mới, nâng giá trị hạt gạo xuất khẩu của Việt Nam. Các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ về sử dụng giống lúa chất lượng cao, đến năm 2020 đạt tỷ lệ 70% diện tích sử dụng các giống lúa cấp xác nhận.
Ông Nguyễn Đức Thành, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách - Đại học Quốc gia Hà Nội:Định vị lại ngành lúa gạo
Nếu chỉ tập trung vào thị trường dễ tính sẽ khiến mặt hàng lúa gạo Việt Nam tự suy giảm các tiêu chuẩn về chất lượng trong sản xuất và xuất khẩu. Sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ ngày càng giảm thấp. Khi các FTA như EU, TPP… được thực thi, ngành lúa gạo Việt Nam cũng sẽ không có động lực thay đổi về chất lượng để có thể lấy được các lợi thế. Việc định vị lại ngành lúa gạo có thể khiến sản lượng gạo sụt giảm lớn, nhưng sẽ mang lại giá trị gia tăng và thương hiệu cho ngành này trong thời gian tới.
Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Khó tiếp cận với thị trường của TPP
Từ năm 2008 đến nay, có khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đưa gạo được vào thị trường Hoa Kỳ, với khoảng 76.000 tấn/năm. Tuy nhiên, rủi ro của thị trường này khá cao. Đơn cử như trường hợp một doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2014 đã đưa 1.000 tấn gạo vào thị trường này, nhưng khi phía Hoa Kỳ kiểm tra thì không đạt yêu cầu do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Chi phí vận chuyển, bến bãi, dịch vụ kiểm nghiệm… đã khiến doanh nghiệp này bị thua lỗ đến 4 tỷ đồng. Và có một bất cập là khối lượng gạo này lại được đưa về tiêu thụ trong nước.
Ông Nguyễn Quốc Trực, Giám đốc Công ty lương thực Tiền Giang: Hỗ trợ giải quyết hàng rào kỹ thuật
Việc xuất khẩu gạo qua thị trường Mỹ gặp rất nhiều khó khăn do vướng phải quy định khắt khe về dư lượng hóa chất từ thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên nhân chính là do nhiều chủng loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phổ biến ở Việt Nam nhưng lại không được đăng ký để đưa vào danh mục kiểm soát của cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA). Điều này dẫn tới khó khăn nhất là hàng hóa khi nhập vào sẽ bị cơ quan FDA áp dụng những tiêu chuẩn khắt khe nhất với mức quy định rất nhỏ (gần như bằng 0%). Những khó khăn này, bản thân từng doanh nghiệp sẽ không thể tự giải quyết được. Kiến nghị Nhà nước cần có những đàm phán, làm việc ở cấp cao hơn để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường này.
Ruộng lúa trồng khảo nghiệm của Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Với doanh nghiệp trong vùng, chúng tôi hết sức quan tâm đến việc thiết lập mối liên kết giữa các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nắm được thị trường, liên kết phát triển công nghệ chế biến, đề ra các chương trình, giải pháp hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng bằng những chiến lược cụ thể và thiết thực. Chúng tôi cho rằng, đây là đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn sôi động của vùng sản xuất lúa hàng hóa lớn nhất nước, có lực lượng nông dân đông đảo. Các doanh nghiệp cần phải liên kết lại để đầu tư công nghệ chế biến theo quy trình khép kín từ sản xuất lúa, thu hoạch, bảo quản, chế biến… nhằm tập trung xuất khẩu gạo có chất lượng, có thương hiệu, đem lại giá trị gia tăng cao. Còn đối với các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, cần hợp tác trong nghiên cứu ứng dụng tin học hóa quản lý, nghiên cứu ứng dụng giải pháp tự động hóa quá trình sản xuất, trong đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp bảo quản…
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT: Thiếu thống kê cơ sở sản xuất giống lúa
Hiện toàn vùng mới có 5/13 tỉnh nắm được số cơ sở sản xuất giống, gồm Long An, Tiền Giang, An Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu. 8/13 tỉnh biết được các cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh và cơ sở chỉ kinh doanh giống lúa mà không sản xuất. Chính việc không quản lý được các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống lúa nên đánh giá năng lực sản xuất giống của các tỉnh chưa gắn với thực tiễn. Hầu hết các tỉnh chưa kiểm soát được số lượng, chủng loại giống siêu nguyên chủng sản xuất trên địa bàn.
Ngoài ra có 6/13 tỉnh, thành công bố khối lượng giống lúa cấp nguyên chủng được sản xuất tại địa phương nhưng không cung cấp thông tin về chủng loại giống sản xuất. 9/13 tỉnh cung cấp số liệu sản xuất giống lúa cấp xác nhận. Tuy nhiên, con số này khác xa so với tính toán của cơ quan chuyên môn. Riêng các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Cà Mau không cung cấp được khối lượng lúa giống cấp xác nhận sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long: Tập trung khâu hậu kiểm chất lượng lúa giống
Việc thanh kiểm tra hiện chỉ đánh giá về các điều kiện kinh doanh chứ chưa quan tâm đến vấn đề hậu kiểm chất lượng giống lúa, diện tích sản xuất lúa giống còn manh mún nên chi phí sơ chế cao. Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất phù hợp để chủ động trong sản xuất giống lúa xác nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để cung cấp giống chất lượng phục vụ sản xuất lúa hàng hóa; cần xây dựng giải pháp thống nhất và đồng bộ giữa các địa phương để nâng cao chất lượng lúa giống. Bộ NN&PTNT cần kiện toàn các văn bản về quản lý giống lúa, quan tâm khâu hậu kiểm chất lượng giống để các địa phương áp dụng thực hiện một cách đồng bộ.
PGS. TS Lê Văn Hòa, Trường Đại học Cần Thơ: Tăng cường sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón
Cả nước hiện có gần 500 cơ sở sản xuất phân bón với gần 2.000 chủng loại. Hầu hết các loại phân hóa học đơn hoặc kép (N, DAP, K) do doanh nghiệp lớn trong nước sản xuất đều đúng chất lượng. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất nhỏ với thiết bị lạc hậu đã sản xuất phân bón N-P-K, hữu cơ sinh học, hữu cơ khoáng không bảo đảm chất lượng đã gây ảnh hưởng đến hiệu suất sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo các doanh nghiệp đầu tư lắp đặt máy móc, thiết bị hiện đại. Khuyến cáo nông dân bón phân thân thiện với môi trường bằng cách tăng lượng phân hữu cơ, giảm phân hóa học để trả lại hữu cơ và cố định carbon trong đất, qua đó tăng chất lượng, giá trị sản phẩm.
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ: Chọn hướng đi đúng trong liên kết
Công ty chúng tôi thực hiện mô hình tổ chức sản xuất lúa khép kín từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra mà phần lớn là sản xuất lúa thơm Jasmine. Loại lúa này có giá trị cao hơn lúa thường từ 15 -20% nên đối với bà con hợp đồng viên, mức lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt 35 - 50%. Cụ thể từ năm 2010 - 2014 năng suất bình quân cả năm là 12,5 tấn/ha đã đem lợi nhuận từ 36 - 45 triệu đồng/ha/năm. Mô hình này đã và đang rất phù hợp với chính sách của Nhà nước hiện nay là xây dựng “cánh đồng lớn” có sự đồng thuận chia sẻ về thuận lợi cũng như khó khăn giữa nông dân và doanh nghiệp.
Điểm quan trọng là công tác quy hoạch vùng nguyên liệu chuyên canh trồng lúa rất quan trọng. Nó đã tạo ra giá trị gia tăng đáng kể cho người trồng lúa vì chi phí sản xuất giảm đi, giá cả cao hơn; đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, vì chất lượng và số lượng sản phẩm gạo luôn được kiểm soát và ổn định. Do vậy hiệu quả sản xuất kinh doanh khá tốt và bền vững.
Bên cạnh đó, chúng tôi có hệ thống sản xuất lúa nguyên chủng tập trung với diện tích 50 ha, hằng năm có khả năng sản xuất từ 500 - 600 tấn lúa nguyên chủng. Để làm được như vậy, công ty đã hợp tác với trường Đại học Cần Thơ ứng dụng công nghệ điện di protein (phát hiện các tính chất nổi bật để chọn giống tốt) trong việc phục tráng, chọn lọc các giống lúa thơm đặc sản và hợp tác với Viện lúa ĐBSCL nhân các giống lúa OM đầu dòng có triển vọng. Từ nguồn lúa nguyên chủng, công ty tiếp tục sản xuất lúa giống xác nhận với quy mô 600 - 700 ha, sản lượng đạt từ 3.000 - 3.500 tấn/năm để cung cấp cho nông dân và cho các đơn vị khác có đầu tư cho “cánh đồng lớn”.