Nâng cao dân trí, chú trọng phòng ngừa

Để ngăn chặn hiện tượng người dân xuất cảnh lao động bất hợp pháp qua biên giới, các cấp, các ngành và địa phương cần đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức để người dân cảnh giác. Cần chấp hành nghiêm quy định xuất nhập cảnh và lao động, tăng cường phối hợp cơ quan chức năng các nước điều tra, bắt giữ tội phạm, giải cứu, hồi hương nạn nhân, quản lý khu vực biên giới, phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động.

Bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Bảo vệ quyền hợp pháp của người lao động

Nhằm bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tiến hành nhiều biện pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy trao đổi thông tin với cơ quan chức năng của nước bạn, tăng cường tuyên truyền đối ngoại và giáo dục công dân nhằm tăng cường hiểu biết và hiệu quả thực thi pháp luật về bảo hộ công dân. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân các quy định về pháp luật xuất nhập cảnh, chính sách xuất khẩu lao động, cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra với người lao động.

Việc tư vấn và giải đáp pháp luật cho lao động nữ nhằm nâng cao nhận thức là điều hết sức cần thiết. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Lực lượng chức năng gồm Công an, Bộ đội biên phòng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, nhằm ngăn chặn người Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, cũng như những người từ Trung Quốc tự trở về hoặc bị đẩy về qua đường mòn biên giới. Tại các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Công an và Bộ đội Biên phòng đã ký biên bản ghi nhớ, duy trì giao ban với Công an tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) về phòng, chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý trật tự ở khu vực biên giới; duy trì đường dây nóng giữa Phòng Cảnh sát hình sự với Cục Công an Hà Khẩu, Châu Hồng Hà, huyện Kim Bình, Mã Quan.

Nhiều huyện biên giới đã thành lập tổ liên ngành gồm các lực lượng: Biên phòng (tổ trưởng), Công an và Phòng LĐ-TB-XH làm nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp thông tin, hỗ trợ người lao động phòng ngừa, đối phó với những nguy cơ khi qua biên giới làm việc và thiết lập đường dây nóng để kịp thời giải quyết những tình huống cấp thiết bảo vệ người lao động.

Bà Bùi Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam: Cung cấp các dịch vụ tư vấn cho phụ nữ

Di cư lao động quốc tế là quy luật khách quan toàn cầu. Việc thực hiện các giải pháp quản lý không nên nhằm mục đích hạn chế dịch chuyển lao động qua đường biên một cách máy móc, cứng nhắc mà cần chuyển từ hình thức di cư lao động không an toàn thành di cư an toàn, nhất là đối với phụ nữ thông qua việc:

Cung cấp các dịch vụ tư vấn cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) về những điều kiện cần thiết, thậm chí bắt buộc phải có trước khi tiến hành di cư lao động qua biên giới để tránh bị mua bán, lừa gạt. Cung cấp những thông tin cơ bản, kỹ năng giao dịch cần thiết với chủ lao động. Thành lập và cung cấp địa chỉ các đường dây nóng để hỗ trợ chị em khi gặp rủi ro trong quá trình tìm việc làm.

Tăng cường tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ DTTS vùng biên giới về di cư lao động an toàn với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. Chú trọng đến việc tuyên truyền pháp luật, thủ tục hành chính và các loại hồ sơ giấy tờ cần thiết của người muốn di cư lao động. Đặc biệt, nên tận dụng những người có uy tín, già làng, trưởng bản tuyên truyền bằng tiếng dân tộc cho chị em dễ tiếp thu, dễ nhớ. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hội viên tại các địa bàn có tỉ lệ phụ nữ DTTS di cư qua biên giới cao. Tổ chức các buổi truyền thông, thông tin về những nguy cơ, cạm bẫy, tình huống... có thể xảy ra, chị em có thể gặp phải trên con đường di cư, tại nơi cư trú mới... Tổ chức tập huấn, trang bị một số kỹ năng sống để phòng ngừa và xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống để phụ nữ DTTS có thể tự bảo vệ bản thân trước khi nhờ đến các cơ quan luật pháp.

Hỗ trợ phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ tại địa phương, tăng cường các nguồn lực để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Xây dựng, hỗ trợ phát triển các mô hình phát triển kinh tế, chú trọng đến phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với nâng cao trình độ dân trí, xóa mù chữ cho chị em.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Cần trao đổi song phương giữa hai quốc gia

Thực trạng lao động nữ dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc làm thuê qua biên giới, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về thực trạng lao động trái phép hiện nay. Riêng đối với tỉnh Hà Giang, vấn đề này đang là một thách thức không nhỏ mà chưa có giải pháp hữu hiệu để quản lý.

Nhằm tháo gỡ vấn đề trên, tỉnh Hà Giang một mặt tăng cường các biện pháp tuyên truyền, cấp sổ lao động, đồng thời tiến hành hội đàm với phía đối đẳng cùng bàn phương án để quản lý. Nhờ đó tình trạng bị bóc lột, tước đoạt hoặc đẩy đuổi người lao động cũng giảm đáng kể, trong tháng 10/2015 tỉnh Hà Giang đã tổ chức đưa được trên 100 người sang Châu Văn Sơn (Trung Quốc) lao động.

Về những giải pháp trong thời gian tới, đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiếp tục đề nghị với Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện cho Hà Giang nói riêng và các tỉnh trong vùng Tây Bắc nói chung có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển. Ở cấp Nhà nước, hai nước Việt Nam - Trung Quốc cần tiến hành trao đổi song phương để tìm ra biện pháp quản lý có hiệu quả người lao động vượt biên đi làm thuê.

Chị Hứa Thị Vin, xã Thanh Lòa, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn): Luôn bị chủ sử dụng lao động lừa gạt

Đồng bào dân tộc Nùng chúng tôi chủ yếu chỉ lao động thủ công. Người Trung Quốc không làm những việc thủ công vì ít tiền, họ thuê lao động Việt Nam làm những việc đó. Thanh niên Trung Quốc cũng vậy, họ đi làm công ty vì thu nhập cao hơn.

Chúng tôi sang Trung Quốc làm thuê chủ yếu là trồng và thu hoạch mía, trồng rừng, khai thác lâm sản, bốc vác hàng, bán hàng, xây dựng dân dụng… với thời gian ngắn ngày (một số đi về trong ngày), một số thì đi làm việc theo đợt từ một tuần đến một tháng. Thu nhập bình quân của người lao động từ 50 - 100 nhân dân tệ/ngày (tương đương khoảng 150.000 - 270.000 đồng Việt Nam/ngày). Hầu hết những người sang lao động ở Trung Quốc là xuất cảnh trái phép qua biên giới, lao động làm thuê theo nhiều hình thức (đơn lẻ, theo nhóm, tự đi hoặc có người môi giới…) do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro trong quá trình lao động và đảm bảo quyền lợi. Nhiều trường hợp bị dụ dỗ đi lao động với mức lương cao nhưng thực tế thì ngược lại, “trắng tay” hoặc không đủ tiền trở về Việt Nam. Một số trường hợp bị chủ sử dụng lao động của Trung Quốc lừa bằng việc sắp đến thời điểm trả tiền công thì báo cơ quan chức năng đến kiểm tra bắt giữ và đẩy, đuổi về Việt Nam…

Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Thủy (Hà Giang): Giải cứu 54 phụ nữ và trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc

Vừa qua, tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, lực lượng Công an, Biên phòng thuộc Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) phối hợp với Đồn Biên phòng Thanh Thủy, Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy trao trả, tiếp nhận 54 nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc làm thuê và hoạt động mại dâm.

Thực hiện kế hoạch giải cứu nạn nhân trong đường dây buôn người từ các tỉnh biên giới của Việt Nam sang Trung Quốc bán, thời gian qua Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang và Cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an tỉnh Hà Giang đã cùng với các đơn vị chức năng của tỉnh Hà Giang phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Biên phòng thuộc Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thực hiện tốt các kế hoạch giải cứu các nạn nhân là phụ nữ và trẻ em.

Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Giang và Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), 54 nạn nhân đã được giải cứu thành công. Tất cả những nạn nhân được giải cứu lần này đều là phụ nữ và trẻ em có độ tuổi từ 16 - 28 tuổi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các tỉnh biên giới của Việt Nam và một số tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó đã chặn đứng được hoạt động tội phạm mua bán người ở đường biên, giải cứu thành công nhiều cô gái nhẹ dạ, cả tin đã bị các đối tượng lừa bán sang Trung Quốc.

Ngay sau khi được giải cứu, trao trả về Việt Nam qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, 54 nạn nhân đã được các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang làm thủ tục trả về đoàn tụ với các gia đình.

Chí Bình
Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho phụ nữ
Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho phụ nữ

Sau một ngày lao động trên nương, 3 mẹ con chị Lữ Thị Phương (53 tuổi) ở bản Na Ca, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, gồm mẹ chồng, con gái và con dâu lại cùng đi học chữ. Đã 3 tháng nay, dù trời mưa hay nắng, 3 mẹ con chị Phương vẫn đến lớp học đều đặn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN