Mùa giao duyên của trai gái Lự

Tây Bắc hùng vĩ và cách trở, nhưng nuôi dưỡng cả một miền văn hóa đặc sắc cùng thơ ca. Đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Lự nói riêng đã ví mùa xuân với tình yêu. Trời - đất và con người lấy mùa xuân làm sự khởi đầu.

"Mùa xuân biêng biếc muôn chồi lá
Rũ giọt sương đông mở bật mầm
Tình xuân e ấp dâng hồng má
Sơn nữ giấu cười trong núi hoa".
 
Rừng xuân muôn sắc màu, núi xuân ngát hương thơm của hoa. Gió xuân đủ lạnh để con người đi tìm và suy ngẫm về sự ấm áp. Mưa xuân đủ ướt để ai đó có cớ xin chung ô của người chưa quen. Nắng xuân đủ vàng để nhân gian nhuận sắc. Và sương xuân đủ mỏng để trai bản, gái mường giấu đi hay nhận ra những ánh mắt liếc lại tìm nhau. Mùa xuân tiếp mùa xuân. Tình yêu từ đó nhân lên, đời nối đời như dòng sông thời gian mãi chảy. Những mùa xuân xưa là ngọn nguồn để sự sống dâng tràn. Mùa xuân - tình yêu đã tạo dòng sông thi ca khi âm trầm như sóng ngầm, khi cuộn dâng như thác lũ, khi lại hiền hòa sâu lắng.

Điệu múa của các cô gái Lự làm say đắm lòng người.
Ngày xuân khi người già ngồi quanh bếp lửa ca hát, kể lại chuyện xưa của tổ tiên mình: Hát về cuộc thiên di, hát về thời chiến tranh loạn lạc, hát về hành trình đi buôn qua nước Ngô, nước Lào, hát về những luật tục dạy làm người... cho con trẻ nghe để mà nhớ lấy; để mà dạy cho nhau, để mà sống với nhau. Còn trai bản, gái mường thì rủ nhau ra ven suối nơi có những tảng đá lớn dưới vòm cây cổ thụ; rủ nhau lên bãi gianh, rừng tre, đồi nứa để thổi sáo, để hát những khúc ca yêu.

Thiếu nữ dân tộc Lự trong trang phục đi chơi hội.

"Chơi đi em hỡi, chơi vui
Cùng nhau chơi vui giữa rừng tre chen lá
Cùng nhau chơi vui giữa đồi gianh trên bản
Cùng nhau chơi vui giữa rừng chàm nhuộm áo màu đen".
 
Từng tốp trai, gái cứ ở xa đủ nhìn rõ mặt nhau mà hát, mà làm quen, mà bày tỏ lòng mình. Đây cũng là dịp để họ trổ tài ca hát cùng nhau. Thường thì con trai phải hát trước, hát nhiều bài mới gợi được phía con gái hát đáp lại. Từ thăm dò, các chàng trai mạnh dạn hơn:
 
"Em ơi... anh đã yêu em từ ngày mẹ em mang thai em ba tháng
Anh thích em từ ngày ăn chung gói cơm khô.
Em ơi... Anh muốn ta thành đôi như chim cu gáy
Muốn cùng em gặt hái trên đồng ruộng nhà em.
Em ơi... Anh chỉ mong ta được ăn cơm chung đũa một ống tre".
 
Cứ như vậy, câu hát đi từ xa đến gần mong ước của chàng trai. Thú vị làm sao khi câu hát cũng đưa chân các chàng trai nhích dần tới nhóm các cô gái. Bao giờ thì các cô gái cũng đùn đẩy nhau, không ai muốn đáp lời trước. Nhưng rồi, vẫn có cô mạnh dạn trả lời:
 
"Anh ơi... Em cũng muốn yêu anh nhưng sợ cha anh không đồng ý
Em muốn yêu anh nhưng sợ mẹ anh không bằng lòng
Em muốn yêu anh nhưng sợ ông cậu anh không cho yêu".
 
Được lời như nai thấy lối, chàng trai lại cất lời:
 
"Em ơi... anh mơ được hạt thóc giống đẹp như em đi gieo trồng trên ruộng
Nếu anh có em, đến chỗ thấp anh sẽ dắt tay, lên núi cao anh sẽ bước chờ
Em ơi... anh muốn đưa em về đến cầu thang nhà anh".
 
Người xưa yêu là thế, người núi yêu là thế. Cứ phải mượn gì đó để nói người. Chàng mong có được nàng và đã ví nàng như một hạt thóc giống đẹp để gieo cấy làm nên mùa màng, làm nên sự sống. Ví von vừa gần gũi, thân thiết, vừa đẹp làm sao. Tình yêu của em lúc này như hạt giống gieo trên áng đồng tình yêu của anh sẽ có một mùa gặt hái ấm no. Rồi ta sẽ như đôi chim cu gáy chẳng rời nhau. Rồi ta sẽ ăn cơm từ những đôi đũa trong một ống tre - gia đình.
 
Cứ như thế hát ca. Đói thì mở bánh chưng ra ăn. Khát thì chụm tay vục nước mạch mà uống. Hết ngày thì đốt lửa hát trong đêm. Khi tình đã bén. Khi đã phải duyên rồi, mỗi chàng trai đã có một cô gái của mình. Dẫu không phải ai cũng được như vậy. Nhưng thường khi đã chọn được người mình yêu thương thì họ tách nhóm, ngồi riêng khuất bóng để dành thời gian hát riêng cho nhau nghe nỗi lòng của mình. Hát qua ngày, hát đến bình minh.
 
Ngày xuân rồi cũng hết, con người lại bắt đầu việc nương, ruộng, mùa màng. Trai gái phải chia tay khi tình vừa say, khi lời đã quấn quýt:
 
"Em ơi... ngày anh đến tìm, gặp được em
Sương mây quấn sương mù
Anh mong được có em
Sương mù quyện sương mây".
 
Chia tay, quấn quyện thế rồi đi làm sao, ở làm sao đây. Ngày xa vời vợi. Đường xa tít tắp. Biết xuân sau gặp lại sẽ ra sao. Đã yêu thì hồn vía gửi ở người yêu. Chẳng biết được rồi sẽ ra sao. Liệu có thành lứa đôi, chồng vợ. Dẫu sao cũng chỉ biết mong rằng:
 
"Anh, người yêu của em
Mai anh về
Dù chín mươi lần anh quên
Thì em sẽ đem tình yêu giấu vào vạt áo
Em sẽ đem tình yêu cất vào túi áo nhỏ bé của em
Em sẽ mặc áo đó sát vào thân thể em
Để em nhớ anh
Trái tim em như bông chít, bông lau ven suối gió lay run rẩy dưới trời
Mai anh về
Xa nhau đến mười ngàn năm cũng xin đừng quên"...

Bài và ảnh: VH
Nghệ thuật giao duyên trong hát Xoan
Nghệ thuật giao duyên trong hát Xoan

Đặc trưng riêng và rõ nét nhất của hát Xoan là nghi thức hát thờ, nhưng sôi động nhất, đi vào lòng người nghe nhất lại là phần hát giao duyên, chặng thứ 3 trong nghệ thuật hát Xoan gồm các điệu đón đào - bợm gái, hát đúm, mó cá, xin huê, đố huê… bởi đây là làn điệu mang tính phồn thực, vui nhộn và hấp dẫn nhất trong hát Xoan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN