Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, hát Xoan là một môn nghệ thuật cổ truyền gắn với truyền thuyết vùng Đất Tổ. Hát Xoan là một môn nghệ thuật hát múa tập thể, ra đời từ rất sớm, trong sinh hoạt của cư dân lúa nước ở Bắc Bộ. Đây là nghệ thuật múa hát để cầu hạnh phúc, cầu được Vua Hùng ban cho ân huệ, cho mùa màng tốt tươi, nhân dân sinh được nhiều con cái. Để đạt được mục đích ấy, người ta thường chia làm ba chặng hát. Ba chặng hát có nội dung khác nhau, nhưng gắn kết vào một vấn đề: Đấy là ước nguyện được sinh sôi, được giàu có và con đàn cháu đống.
Các nghệ nhân trình diễn điệu hát mó cá. |
Chặng đầu tiên là những bài hát mang tính nghi thức, khởi đầu một đêm hát thờ, từ tiếng trống đến việc mời thần về tại vị và cuối cùng được khẳng định rằng làng này chính thức vào đám. Chặng 2 là những bài hát quả cách, trong đó chứa đựng những lời chúc phúc, tự sự tình yêu, tứ quý bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tự do hóa cuộc sống nông nhàn. Chặng 3 là những bài hát giao duyên, với nỗi niềm khát khao hạnh phúc ví như xin huê, đố chữ, mó cá…
Có thể nói, trong 3 chặng, thì chặng hát giao duyên trong hát Xoan có nhiều điệu hát như đón đào, bợm gái, hát đúm, mó cá, xin huê, đố huê, bỏ bộ… Trong đó, điệu đi chơi bợm gái (đi chơi bạn gái) và điệu mó cá là những điệu hát phồn thực nhất.
Nếu như điệu đi chơi bợm gái thể hiện tinh thần, sự thèm khát giữa nam giới và nữ giới: “Đôi anh lại đây đôi em thết ơ thết trầu/ Thưa làm sao em ngỏ túi trầu ra thết mấy hờ là đôi anh/ trầu anh trầu túi trầu khăn/trầu em dải yếm để lâu nó cũng tàn/ Anh xuôi kẻ chợ mới về/ Nghìn vàng mà chả tiếc cũng xin kề có chút hơi/kẻo còn thương nhớ anh ơi/…”, thì điệu mó cá thể hiện sâu sắc cho ước vọng sinh sôi, cho các phồn thực ấy. Trong điệu mó cá, các cô đào xoan vòng tay làm thành lưới, vây lấy các chàng trai đứng giữa làm cá. Khi đã quay thành vòng tròn, các cô gái giả làm lưới vỗ tay thách thức các chàng trai giả làm cá.
Các chàng trai muốn thể hiện mình là người bắt cá, chứ không phải thụ động là con cá, vì vậy nên các anh chàng cá, thì lại biến thành các trai làng, và nhảy ra vồ vào các cô đào, với các điệu hát hết sức phồn thực: Các cô đào cất tiếng hát: “Là vông, vông tập, vông tập, tầm vông/ Là vông, vông tập, vông tập, tầm vông’’, các chàng trai hát đáp lại: “Đánh cá bóng giăng, đôi ta đánh cá bóng giăng, cá thời chẳng được dung dăng bắt đào/ Đôi ta mò cá đầm đăng, cá thời không được tung tăng mò đào”...
Hát đón đào, xin huê, hát đúm… cũng là những làn điệu hát rất thú vị trong chặng hát giao duyên. Vào ngày lễ hội, khi các phường xoan đi hát ở làng kết nghĩa, các trai làng hào hứng, phấn khởi ra đón đào và hát rằng: “Còn chưa có quai, trống quân còn chưa có quai, mời đào bưng trống rồi mai đến gần’’. Khi đó, các cô đào hát đáp trả: “Nên Tấn nên Tần, có khi nên Tấn nên Tần/ quý hồ thôi mà bưng trống mà được gần nhau…/Anh nào chưa vợ thì vào/ kẻo em nói đến về nhà vợ ghen…”. Còn hát đúm, là hình thức các chàng trai, cô gái cùng tham gia lễ hội, cô gái cầm quả đúm (là một chiếc khăn, bọc trầu cau, và có những đồng tiền) hát: “Đúm ơi, ta dặn đúm nghe, tìm nơi quần trắng, áo the, đúm vào/ Đúm vào, người hỏi làm sao, em là quả đúm, em vào kết duyên”…
Hát rồi, cô gái nhằm vào một quan viên hoặc một chàng trai ném đúm, người nhận quả đúm hát rằng: “Đúm này anh đã thưa rồi/đào mà ném đúm đứng gần lại đây/Đúm này là quả đúm tiên/ Đào muốn lấy tiền đào dịch lại đây/ Đào dích lại đây, đào dịch lại đây/anh cầm quả đúm trao tay cho đào…”. Cuối câu hát, chàng trai tiến lại phía cô đào, cầm tay và trao quả đúm cho cô đào. Cứ như thế lần lượt các cô đào tiến ra hát đối đáp với các chàng trai hoặc các quan viên.
Nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan khẳng định, chặng hát giao duyên như đón đào bợm gái là chặng sôi động và rất quan trọng trong phần hội của hát Xoan. Chặng này có vai trò hấp dẫn cộng đồng cùng hòa vào hát múa với các đào Xoan, đồng thời, đây cũng là chặng làm cho người ta luôn nhớ tới phường xoan, đặc biệt là các nam thanh nữ tú, bởi đây là làn điệu mang tính phồn thực, và cũng vì “có nam, có nữ nên mới nên xuân”. Đây cũng là chặng hát mà các cô đào, các chàng trai trong làng mong muốn nhất mỗi khi vào hội, thể hiện nỗi nhớ mong của các chàng trai với các cô gái.
Cũng theo nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, chặng hát đón đào, đi chơi bợm gái này làm không khí âm nhạc hát xoan thay đổi. Nếu trước kia các tiết tấu, tiết điệu lối hát giống nhau đều đặn, thì đến chặng này nhịp điệu thay đổi, rộn ràng, dồn dập hơn, làm cho không khí hát Xoan trở nên sôi động, vui vẻ vô cùng. Đây cũng là chặng hát chứa nhiều tâm khảm, ước vọng, khát khao về tình yêu, cuộc sống… vô cùng thú vị của các nam thanh nữ tú khi đi lễ hội.
Một trong những yếu tố khiến cho hát Xoan lan tỏa mạnh mẽ là tục kết nghĩa giữa các phường hát Xoan. Theo đó, khi các nghệ nhân đến các làng kết nghĩa hát, sẽ dung nạp nhiều loại hình nghệ thuật của các quan viên và trai làng sở tại vào trong nghệ thuật hát Xoan và làm cho các điệu hát Xoan ngày càng phong phú, hấp dẫn, nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan đánh giá.