Quan họ cổ “giao duyên” cùng điện ảnh

Trong khi ở Hà Nội, Liên hoan Ca trù đang là tâm điểm thì tại làng Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang) cũng vui như đang vào hội. Vui vì trong suốt mấy tháng qua, từ đường làng, ngõ xóm cho đến bến sông, các liền anh liền chị tạm gác việc ruộng đồng để áo quần xúng xính tham gia đóng phim ca nhạc dân ca quan họ cổ.


Vừa qua, tại làng Thổ Hà, bộ phim ca nhạc dân ca quan họ Tôi là con giai sông Cầu, do hai liền anh Đăng Nam và Phú Hiệp người làng Thổ Hà thủ diễn đã hoàn thành và ra mắt... cả làng.


Cặp đôi liền anh Đăng Nam (trái) và Phú Hiệp


Cùng “đẳng cấp” mới “xứng đôi”


Địa điểm diễn ra buổi họp báo giới thiệu phim ca nhạc dân ca quan họ Tôi là con giai sông Cầu là ở đình Thổ Hà, xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang). Trước khi diễn ra buổi họp báo, đoàn làm phim cũng như các diễn viên chính, phụ đã thắp hương, vái lạy xin phép các bậc tiên nho, tiên hiền làng Thổ Hà. Trong không gian đình làng thoang thoảng mùi hương, khách đến dự họp báo được chào đón bằng những làn điệu quan họ cổ, ngồi tràng kỷ, uống nước trà xanh và được các liền chị mời ăn trầu cánh phượng. Đó cũng chính là nét đẹp văn hóa vùng Kinh Bắc vẫn còn được gìn giữ của người dân nơi đây mỗi khi có khách đến chơi làng quan họ...


Hai liền anh quan họ Đăng Nam và Phú Hiệp (cặp đôi nghệ sĩ - diễn viên chính trong phim) cũng đãi khách bằng một điệu quan họ cổ nằm trong bộ phim Tôi là con giai sông Cầu. Trong phim, hai anh lúc nào cũng như hình với bóng, khiến nhiều khách quan họ thậm chí hiểu lầm, đặt câu hỏi: “Sao lại là đôi liền anh mà không phải là một liền anh, một liền chị?


Đạo diễn bộ phim, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Trung giải thích: “Chơi quan họ, chỉ người có giọng tương đồng mới có thể chơi cặp với mình. Đó gần như là một nguyên tắc. Tuấn Hiệp và Đăng Nam “cùng tông” nên họ “xứng đôi” với nhau. Tìm được một cặp có “đẳng cấp” ngang nhau bây giờ là rất hiếm!”.


Tôi là con giai sông Cầu phần lớn các hình ảnh, cảnh quay được ghi hình tại sông Cầu và bến nước Thổ Hà. Tham gia đóng phim không ai là diễn viên chuyên nghiệp mà hầu hết là người làng Thổ Hà. 10 bài dân ca quan họ cổ trong phim như: Thuyền tôi xuôi ngược sông Cầu, Lênh đênh phận nổi duyên bèo, Gọi đò, Ăn ở trong rừng, Bạn tình ơi... do hai liền anh “chơi” được minh họa bằng nội dung hình ảnh bài Tuấn Khanh. Nghĩa là, xuyên suốt bộ phim, nội dung hình ảnh nói về cuộc tình “tay ba” giữa chàng Tử Trung (lái đò - do Phú Hiệp thủ vai) và anh chàng Ngụy Soạn (làm gốm - do Đăng Nam thủ vai) với nàng Tuấn Khanh (do cháu gái của Phú Hiệp thủ vai) trên “nền” 10 bài quan họ cổ (trong đó có bài Tuấn Khanh).


Đoàn làm phim làm lễ trước bàn thờ đình làng Thổ Hà


Chỉ tiếc là đến hết bộ phim, cả anh chàng Tử Trung và anh chàng Ngụy Soạn, cả thằng con quan nho nhã đến anh nông dân chân lấm tay bùn không ai lấy được Tuấn Khanh chỉ vì làng quan họ của nàng Tuấn Khanh đã kết chạ với làng của hai chàng trai kia và theo “luật” quan họ, khi đã kết chạ thì không được lấy nhau. Tục này, đến nay ở Bắc Giang nhiều làng vẫn còn giữ!


Mới, cũ kết hợp = bảo tồn và phát huy giá trị di sản


Ngoài việc nội dung phim Tôi là con giai sông Cầu được xây dựng theo nội dung bài quan họ cổ Tuấn Khanh, đạo diễn bộ phim cũng thể hiện một phương thức làm phim mới. Đó là quan họ thể hiện theo lối cổ, hát mộc, khác với nhạc đệm đan xen với quan họ thể hiện theo lối mới. Theo đạo diễn Nguyễn Trung, ông chủ đích làm như vậy để thể hiện quan điểm: Bảo tồn phải đi đôi với phát huy giá trị quan họ.


“Vừa rồi ở Bắc Giang xuất hiện tràn lan một cách không chính thức một số đĩa liên khúc quan họ theo kiểu nhạc Jazz. Đấy là phá quan họ. Còn với các nhạc sĩ, có phối khí, phối âm, có nghiên cứu một cách khoa học để làm sao cho các làn điệu quan họ hấp dẫn hơn, được người xem trong và ngoài nước tiếp cận được nhiều hơn đó chính là mục tiêu cho phát triển...”, nhạc sĩ Nguyễn Trung nhấn mạnh.


“Liền anh” Phú Hiệp trăn trở: “Mấy năm trước đây, tôi có tham gia giảng dạy ở trường VHNT. Rất mừng là các em còn trẻ nhưng rất say quan họ. Nhưng đằng sau cái vui ấy là một nỗi chạnh lòng, vì họ mới chỉ học được dăm bài đã cho là nhiều lắm. Giọng hát có, tài năng có nhưng mới chỉ được vậy đã chạy ra làm thương mại. Làm bộ phim này, chúng tôi không hề nghĩ đến thương mại mà chỉ muốn truyền lại những tinh hoa đã được học từ các cụ nghệ nhân ngày xưa”.


Làm phim, cùng với việc tổ chức những buổi sinh hoạt dân ca quan họ vượt ra khỏi phạm vi làng xã một cách đều đặn chính là mở rộng “không gian sống” cho quan họ của Việt Nam. Dù làm phim chưa phải là cách bảo tồn và phát huy giá trị của di sản quan họ một cách tuyệt đối, song, cuộc “giao duyên” này, xét về mặt tinh thần, nó sẽ là một động lực để các liền anh, liền chị quan họ tin tưởng vẫn còn nhiều “khách quan họ” đồng hành với mình trong việc gìn giữ và phát huy vốn di sản mà họ đang nắm giữ của ông cha - di sản văn hóa thế giới.



Theo Thể thao Văn hóa





Sức sống Quan họ
Sức sống Quan họ

Sau một năm Quan họ được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, hiện nay 49 làng Quan họ của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang được UNESCO công nhận đang nỗ lực phát huy nội lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN