Vở ca kịch gồm 5 chương: Chương 1 - "Dam Săn và H’Nhi", chương 2 - "Xử tội Mtao Msei", chương 3 - "Buôn sang trông cậy", chương 4 - "Nơi miền sáng", chương 5 - "Mặt trời lên trên cao nguyên bao la”. Tác giả là nhạc sĩ Nguyễn Cường. Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk biểu diễn với các diễn viên chính: Y Kô Niê, Nghệ sĩ Ưu tú Y Joel Knul, H’Lueng Niê, Nguyễn Minh Chi, Y Moan Hmok, MLô Y Yức...
Tỉnh Đắk Lắk là nơi có 49 dân tộc anh em hội tụ. Cùng với những nét văn hóa dân gian độc đáo, văn hóa nhà dài, văn hóa mẫu hệ, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và văn hóa sử thi… đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sưu tầm, công bố nhiều tác phẩm có giá trị. Trong đó, có những sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của xã hội Tây Nguyên xưa như Khing Ju, Xinh Nhã…, đặc biệt phải kể tới Dam Săn. Sử thi Dam Săn do nhà dân tộc học người Pháp Xa-bat-chiê sưu tầm được ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Êđê - Pháp tại Pari năm 1927.
Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Êđê Tây Nguyên thời cổ đại. Sử thi Dam Săn tái hiện quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, với những tù trưởng anh hùng, nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc. Trên nền Sử thi Dam Săn, trong vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”, nhà biên kịch Hồng Hoa đã viết lên những tình tiết mới như: Sự khao khát của nữ thần Mặt trời mong có được Dam Săn, nguy cơ bị hủy diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối, khát vọng bảo vệ buôn làng của Dam Săn đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời, Nữ thần Mặt trời tặng vầng ánh sáng nhiệm mầu cho Dam Săn.
Du khách Lê Văn Long, đến từ tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những ngày này, đến với Đắk Lắk, hòa mình trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột sôi nổi, hoành tráng khiến anh rất vui và ấn tượng. Đặc biệt, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã mở ra cho anh và nhiều sự hiểu biết về Sử thi Dam Săn, về lịch sử, đời sống buôn làng, hình ảnh con người, văn hóa Tây Nguyên - nét văn hóa vừa đậm đà, độc đáo, vừa gây ấn tượng mạnh mẽ, cảm tình với du khách.
Chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, trong thời lượng hơn một tiếng đồng hồ, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã mang đến cho chị nhiều cung bậc cảm xúc, từ yêu ghét, thương mến cho đến ngưỡng mộ qua diễn xuất của các nhân vật. Bên cạnh đó, những hình ảnh trong đời sống buôn làng như bến nước, nhà dài... được lồng ghép trong từng phân cảnh, cùng những tiết tấu của âm nhạc Tây Nguyên khiến chị bị cuốn hút theo cảm xúc của nhân vật.
Dịp này, UBND tỉnh Đắk Lắk tặng Bằng khen cho Nhạc sỹ Nguyễn Cường, Biên kịch và Tổng đạo diễn Hồng Hoa, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sông Thương Garden Nguyễn Đăng Hà vì có nhiều đóng góp trong xây dựng vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.