Cụ thể, các địa phương đã thực hiện hoàn thành nạo vét, đào mới 380 công trình thủy lợi nội đồng theo kế hoạch năm 2023. Các huyện trong tỉnh tổ chức phương tiện, vận động nhân dân tham gia trục vớt lục bình, vật cản dòng chảy ở tuyến kênh đầu mối được hơn 85.140 m2, cơ bản đảm bảo thông suốt được dòng chảy cấp nước vào nội đồng.
Cùng với thủy lợi nội đồng, ngành nông nghiệp tỉnh còn triển khai xây dựng và đưa vào vận hành 51 công trình cống (từ 1 - 2 cửa) và 15 trạm bơm điện, có công suất 2.400 m3/giờ/trạm, phục vụ cho diện tích sản xuất trên 4.325 ha đất nông nghiệp của khoảng 5.500 hộ dân tại vùng chịu ảnh hưởng lớn khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 và những năm sau này.
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước hụt nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sẽ xảy ra sớm và nghiêm trọng hơn. Đối với Trà Vinh là tỉnh giáp biển, nằm cuối nguồn tiếp ngọt của sông Hậu khả năng xâm nhập mặn và khô hạn sẽ chịu tác động lớn, nên ngành nông nghiệp tỉnh đã triển khai nhanh giải pháp chủ động ứng phó.
Theo dự báo vào nửa đầu tháng 3/2024, vùng cửa sông Tiền, độ mặn sẽ đạt mức cao hơn trung bình nhiều năm. Độ mặn đạt mức khoảng 4 g/l và xâm nhập sâu từ 70 - 75 km trên sông Tiền. Ở vùng cửa sông Hậu, độ mặn cao nhất trên hệ thống sông Cửu Long đạt mức cao nhất vào giữa tháng 3/2024, với mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 3 - 5 g/l, xâm nhập sâu nhất từ 55 - 60 km trên sông Hậu.
Để chủ động ứng phó tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện triển khai giải pháp như tăng cường giám sát mặn, cập nhật dự báo thường xuyên các bản tin về diễn biến, tình hình xâm nhập mặn trên phương tiện thông tin đại chúng để địa phương, người dân nắm bắt và chủ động kịp thời việc trữ nước ngọt phục vụ sản xuất, phục vụ sinh hoạt phù hợp.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện phối hợp Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh tổ chức kiểm tra, vận hành cống đóng, mở theo đúng kịch bản ngăn mặn xâm nhập, tích trữ nước ngọt đảm bảo cung cấp phục vụ cho sản xuất, vườn cây ăn trái,...
Ông Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, trên địa bàn huyện có 14 công trình cống đang được triển khai ở các xã Phước Hưng, Tân Hiệp, Long Hiệp và Ngọc Biên đến nay đã hoàn thành. Các hệ thống bọng và đê bao do huyện làm chủ đầu tư xây dựng cũng được thực hiện xong, đảm bảo cho công tác ngăn mặn, trữ ngọt tại các vùng sản xuất cuối nguồn cần tiếp nước ngọt.
Theo Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè huyện Cầu Kè, đến nay, các công trình thủy lợi nội đồng theo kế hoạch năm 2023 trên địa bàn bàn huyện đã thực hiện xong. Riêng dự án xây dựng đê bao, cống ngăn triều cường, xâm nhập mặn kết hợp giao thông để bảo vệ vùng cây ăn trái tại các xã An Phú Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.
Dự án có tổng vốn đầu tư 140 tỷ đồng, gồm các hạng mục: đê bao, kết hợp đường và cầu giao thông nông thôn và 5 cống thủy lợi. Hạng mục tuyến đê bao có tổng chiều dài khoảng 9 km, cao trình đỉnh đê +2,80, bề mặt đê rộng 5 m, bề rộng mặt đường dành cho xe lưu thông 3,5 m được láng nhựa đạt tiêu chuẩn cấp đường nông thôn loại B. Dự án hoàn thành giúp chủ động kiểm soát và điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cho khoảng 990 ha vườn cây ăn trái trong vùng dự án; đồng thời, hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế nông nghiệp.