Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh xây dựng, sửa chữa cống, trạm bơm điện, đắp đập ngăn mặn, nạo vét kênh mương kết hợp làm đê bao và bờ bao, vận hành cống… Đồng thời, nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước các xã: Thuận Hòa (An Minh), Tân Khánh Hòa và Vĩnh Phú (Giang Thành), Vĩnh Hòa Hiệp (Châu Thành), Vĩnh Thạnh (Giồng Riềng), Nam Thái Sơn (Hòn Đất), Thủy Liễu (Gò Quao), Bình Trị (Kiên Lương); vận chuyển nước sinh hoạt ra xã đảo Tiên Hải và phường Mỹ Đức (TP. Hà Tiên); hỗ trợ 100 bồn chứa nước (1 m³/bồn) cho những hộ dân ở khu vực phân tán khó khăn huyện Vĩnh Thuận, Hòn Đất.
Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, Sở tập trung thực hiện kế hoạch của tỉnh về ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh vận hành linh hoạt hệ thống cống ven biển để ngăn mặn, giữ ngọt đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt của người dân; vận hành hệ thống cống trên địa bàn thành phố Rạch Giá, các cống ven sông Cái Bé (Châu Thành) để giữ ngọt, ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Cái Sắn và kênh Rạch Giá - Long Xuyên, phục vụ sản xuất, cung cấp nước ngọt cho các nước: Tà Tây (TP Rạch Giá), Thạnh Lộc và hồ Nam Rạch Giá (Châu Thành).
Tiếp đến, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan vận hành cống - âu thuyền Vàm Bà Lịch (Châu Thành) đảm bảo yêu cầu ngăn mặn, giữ ngọt và giao thông thủy; vận hành cống Ba Hòn (Kiên Lương) kết hợp đập ngăn mặn trên kênh Rạch Giá - Hà Tiên tại xã Hòa Điền, đảm bảo cung cấp nước ngọt cho nhà máy nước trên địa bàn huyện Kiên Lương; vận hành cống Hà Giang (Giang Thành) để ngăn mặn, đảm bảo nguồn nước cấp cho nhà máy nước Hà Tiên; vận hành hiệu quả hệ thống cống vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No để phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam vận hành hợp lý các cống Cái Lớn, Cái Bé và Xẻo Rô, đảm bảo cho yêu cầu sản xuất và nước sinh hoạt nông thôn. Mặt khác, ngành chức năng tỉnh phối hợp với các địa phương chủ động tích nước an toàn vào hồ chứa: Dương Đông (TP Phú Quốc), Bãi Nhà và Cây Mến (Kiên Hải) để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trên đảo, khẩn trương hoàn thành đưa vào sử dụng các hồ chứa nước đang xây dựng.
Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện các chương trình, dự án nước sạch nông thôn và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025, công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng có nguồn nước bị ô nhiễm, vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn đã được bố trí nguồn vốn.
Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống từ các công trình cấp nước tập trung và đầu tư bồn trữ nước; thổi rửa các giếng khoan sẵn có, khoan thêm giếng dự phòng và bổ sung nguồn cho các trạm cấp nước để tăng khả năng khai thác đảm bảo nguồn nước cung cấp cho các trạm cấp nước và điểm cấp nước tập trung.
Cùng đó, ngành chức năng tỉnh đẩy nhanh tiến độ phân bổ sớm 6.755 bồn nhựa trữ nước (1 m³/bồn) cho hộ dân tại những khu vực khó khăn về nước sạch đã phê duyệt thuộc các huyện An Minh, An Biên, Kiên Hải, Kiên Lương, Giồng Riềng, Gò Quao, U Minh Thượng, Châu Thành và thành phố Hà Tiên.
Các huyện, thành phố thực hiện việc nạo vét kênh, mương kết hợp làm đê bao, bờ bao để tăng cường khả năng trữ nước ngọt, sử dụng trong mùa khô; gia cố, đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, trạm bơm điện, duy tu, sửa chữa công trình thủy lợi để tăng cường bảo vệ lúa trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025 và tiếp tục phòng, chống hạn mặn cho đầu vụ Hè Thu tiếp theo.
Trước mắt, gia cố, đắp mới 51 đập đất ngăn mặn trên địa bàn các huyện Kiên Lương, An Biên, An Minh hoàn thành trong tháng 12/2024; dự phòng khi mặn xâm nhập sâu, gia cố, đắp mới 13 đập ngăn mặn trên địa bàn huyện Hòn Đất; xây dựng, sửa chữa 55 cống ở các huyện Kiên Lương, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, An Biên; xây dựng, sửa chữa 27 trạm bơm điện trên địa bàn 2 huyện Gò Quao và An Biên; nạo vét kênh mương, kết hợp làm đê bao, bờ bao tổng chiều dài khoảng 100 km ở huyện Gò Quao và An Biên.