Tiếp cận tổng thể, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn

Tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại phiên họp sáng 4/6.

Đảm bảo an ninh nguồn nước

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Phạm Thị Kiều chất vấn. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho rằng, với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt trong thời gian tới?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, biến đổi khí hậu tác động lớn tới Việt Nam, trong đó ảnh hưởng nặng nề nguồn nước. Nguồn nước của Việt Nam 60% phụ thuộc nước ngoài, 40% nội sinh, nên việc đảm bảo an ninh nguồn nước là phải đảm bảo nguồn nước nội sinh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng với dự án 1 tỷ cây xanh; tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn nước. Về công tác quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch về tài nguyên nước và quy hoạch điều tra, đánh giá tài nguyên nước của quốc gia, 8 quy hoạch về lưu vực sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu để phê duyệt tiếp 5 quy hoạch về lưu vực sông. Đồng thời có quy định việc điều hành, quản lý liên tỉnh đối với các lưu vực sông, làm rõ trách nhiệm của các địa phương trong việc phối hợp, bảo đảm sử dụng nước có hiệu quả.

Liên quan vấn đề Đồng bằng sông Cửu Long hạn hán do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động trong việc tích trữ nước, sử dụng tiết kiệm nước; tiếp tục xử lý việc điều hòa, điều phối nguồn nước; phối hợp với các nước trong khu vực để bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Bày tỏ lo ngại về tình trạng xuống cấp các công trình khai thác sử dụng nước, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) dẫn thông tin: Hiện nay, trên cả nước có khoảng 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970 - 1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo hơn 1.000 hồ chứa nước xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ đòi hỏi một nguồn lực rất lớn. Theo người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, theo đó tập trung giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương… phối hợp để điều hòa, phân phối nguồn nước; đưa ra các kịch bản nguồn nước để bảo đảm an ninh nguồn nước. Tới đây, các Bộ sẽ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát hiện trạng các hồ đập để vừa bảo đảm việc trữ nước phục vụ sản xuất cũng như yếu tố an toàn.

Ưu tiên đầu tư các công trình có độ phủ rộng

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Tham gia trả lời chất vấn tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã giải đáp nhiều vấn đề đại biểu nêu liên quan đến an toàn hồ đập và tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long. Chia sẻ với khó khăn của người dân ở khu vực này. Bộ trưởng cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này. Dự kiến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án trong đó tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn. Bộ cũng tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; dự kiến tổ chức diễn đàn do Thủ tướng Chính phủ chủ trì gặp gỡ lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nghe thêm ý kiến về vấn đề này.

Về tài nguyên nước, Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đánh giá của thế giới nêu, "chúng ta đang ở một kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu", trong đó Việt Nam là quốc gia bị tổn thương nhất.

Theo Bộ trưởng, vấn đề nước phải tiếp cận 3 chủ thể: số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Đặc biệt, cách thức sử dụng nguồn nước sẽ tác động tới số lượng nước và chất lượng nước. Người dân chưa xem nước là tài nguyên, cứ nghĩ nước là vô hạn nhưng đứng trước thách thức biến đổi khí hậu và thách thức từ khai thác, sử dụng thì nước trở thành tài nguyên hữu hạn và cần thay đổi cách tiếp cận.

"Đến thời điểm này, cần có thông điệp với bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước rằng: Chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn. Từ đó để có cách tiếp cận ngắn hạn, dài hạn bằng chiến lược nông nghiệp tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tiết kiệm nước còn liên quan đến phát thải khí nhà kính, trong đó Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh, tiết kiệm nước hơn sẽ làm giảm phát thải. Vì vậy, ông Lê Minh Hoan mong muốn Quốc hội ủng hộ Đề án Chính phủ đã phê duyệt.

Về các giải pháp trước mắt để hạn chế xâm nhập mặn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.

Đối với vấn đề hồ thủy lợi liên quan đến an toàn hồ đập, Bộ trưởng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ liên quan nhiều tỉnh do Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý. Đến thời điểm này, các hồ an toàn, đang được thường xuyên theo dõi, quản lý.

Đối với các hồ lớn, vừa, nhỏ đã phân cấp các địa phương quản lý, nguồn lực đầu tư theo quy định ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đối với một số địa phương còn hạn chế về nguồn lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp cụ thể hơn. Các đại biểu Quốc hội cũng cần tăng cường giám sát, đề xuất duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ đập do địa phương quản lý…

Phan Phương (TTXVN)
Tìm giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản
Tìm giải pháp khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày 4/6 tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN