Nhóm vấn đề thứ nhất được thực hiện chất vấn thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường; trong đó đề cập đến các giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm. Đây là nội dung được nhân dân và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi bởi đây là nguồn tài nguyên không thể tái tạo, cần được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Đa dạng hoạt động khai thác khoáng sản
Theo Báo cáo trước phiên chất vấn được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh gửi tới Quốc hội, tính đến tháng 12/2023, cả nước có khoảng gần 4.000 khu vực khoáng sản đang được hơn 3.300 tổ chức, cá nhân khai thác với gần 50 loại khoáng sản khác nhau trên phạm vi cả nước, tập trung vào các loại tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu xây dựng thông thường như: đá, sét, cát, sỏi, than, đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng, đá hoa trắng, đá ốp lát…
Trong số gần 4.000 khu vực khoáng sản nêu trên, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm gần 3.000 khu vực với tổng trữ lượng được phê duyệt năm 2023 là gần 500 triệu m3; sản lượng khai thác vào khoảng 143 triệu m3. Đối với tài nguyên, khoáng sản làm vật liệu, hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản này được triển khai thực hiện tại 44/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với khoảng 1.720 mỏ, điểm mỏ theo các quy mô khác nhau.
Về cấp phép khoáng sản, theo số liệu thống kê, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp 369 Giấy phép thăm dò khoáng sản, trong đó, 322 Giấy phép cấp mới, 47 Giấy phép gia hạn/chuyển nhượng/điều chỉnh trên địa bàn 63 tỉnh/thành phố để thăm dò trên 6 loại nhóm khoáng sản/50 loại khoáng sản khác nhau; cấp 534 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm 51 loại khoáng sản. Hiện nay, có 3.393 Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đang có hiệu lực.
Tính đến ngày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên 61.441 tỷ đồng. Về thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, từ năm 2014 đến 31/12/2023, tổng số tiền thu được là 55.887 tỷ đồng.
Ở hạng mục đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tính đến ngày 31/12/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 837 khu vực khoáng sản, kết quả đấu giá tăng trung bình từ 20 - 40% so với giá khởi điểm. Số liệu thống kê cho thấy các mỏ đấu giá thành công chủ yếu là mỏ cát, sỏi chiếm 68,75%; đá làm vật liệu xây dựng thông thường chiếm 15,79%; sét, sét gạch ngói chiếm 5,59%.
Đề xuất với Quốc hội một số nhóm giải pháp thăm dò, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ việc hoàn thiện và trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 để bổ sung, hoàn thiện nội dung về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; góp phần xử lý được những tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Cùng với đó, đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản tại các vùng có triển vọng như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên và ven biển, đặc biệt khoáng sản phân bố ở phần sâu; khuyến khích đầu tư, đổi mới đồng bộ công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường hoặc dự án tạm dừng hoặc dừng hoạt động nhưng doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ cải tạo phục hồi môi trường khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ). Duy trì hoạt động hiệu quả các dự án khai thác, chế biến bôxít - alumin - nhôm, đất hiếm... trở thành ngành công nghiệp chủ đạo, phát triển bền vững tương xứng với quy mô khoáng sản; xây dựng cơ chế để khuyến khích, tiến tới bắt buộc các dự án đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính đáp ứng mục tiêu tăng trưởng xanh.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề xuất việc đẩy mạnh hợp tác khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trong thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản, bảo vệ môi trường, an toàn lao động và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị tài nguyên khoáng sản, quan trắc, dự báo, quản trị môi trường, điều khiển tự động nhằm nâng cao hiệu quả, giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và bảo đảm môi trường.
Đồng thời, tập trung thực hiện Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đảm bảo chất lượng, thời hạn, nhằm kịp thời chuyển giao cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, lập quy hoạch, thăm dò, khai thác; sớm thực hiện đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng”. Bố trí nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo cho điều tra, đánh giá và thăm dò đầy đủ về tài nguyên, trữ lượng đất hiếm làm cơ sở hoạch định cho các mục tiêu phát triển của đất nước…
Hoàn thiện chính sách pháp luật về khoáng sản
Làm rõ hơn điểm nhấn về chính sách pháp luật được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề cập tới, đó là việc hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, nhiều ý kiến xác đáng đã được đóng góp cho Cơ quan soạn thảo dự án Luật.
Tại Phiên họp mở rộng thẩm tra dự án Luật Địa chất và Khoáng sản do Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ vai trò, giá trị của địa chất và khoáng sản bởi thực tế hiện nay cho thấy, nhiều tài nguyên khoáng sản hiện đang cạn kiệt. “Liệu chúng ta có thể dự trữ được khoáng sản được hay không? Nếu việc dự trữ không thay đổi thì liệu còn phù hợp không trong khi khai thác khoáng sản phải đi liền với bảo vệ môi trường? Mặt khác, việc giấy phép khai thác khoáng sản được cấp nhiều thì việc dự trữ sẽ như thế nào?”, bà Nguyễn Thị Lệ Thủy đặt câu hỏi.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy cũng cho rằng, việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản thường là giống nhau nhưng trữ lượng, tính chất của các khoáng sản lại khác nhau thì rất khó có thể kiểm soát được việc dự trữ những loại khoáng sản quý hiếm. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng hơn về nội dung này.
Nêu ý kiến đối với dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị rà soát phạm vi dự án Luật để đáp ứng quan điểm, mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật; bổ sung đầy đủ hồ sơ dự án Luật, đánh giá tác động đầy đủ đối với các chính sách mới, hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành; bổ sung các nội dung mà cơ quan thẩm tra đề nghị giải trình, làm rõ, nghiên cứu tiếp thu như quy hoạch khoáng sản, nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất, bổ sung tiêu chí điều kiện lựa chọn tư vấn, cơ quan phê duyệt kết quả khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, về giấy phép thăm dò khoáng sản, nguyên tắc, điều kiện cấp giấy phép; lưu ý các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển, cụ thể các trường hợp không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Đồng thời, rà soát các quy định về phân loại khoáng sản; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất chưa khai thác; tiếp tục rà soát xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn; giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định; rà soát kỹ các quy định về áp dụng luật, điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm khả thi, tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản được xây dựng gồm 117 điều, bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 điều (so với Luật Khoáng sản năm 2010).
Dự án Luật có các quy định mới như: Điều tra cơ bản địa chất; phân nhóm khoáng sản; tăng cường phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương; bổ sung và làm rõ các hoạt động thu hồi khoáng sản, đăng ký khai thác khoáng sản nhóm IV không phải cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; bổ sung các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản không phải có Quy hoạch khoáng sản (khai thác khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ; thu hồi khoáng sản; khai thác tận thu khoáng sản); công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; sử dụng vốn ngân sách từ nguồn sự nghiệp kinh tế để tổ chức thực hiện thăm dò khoáng sản chiến lược, quan trọng;...
Dự án Luật cũng quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định trên cơ sở trữ lượng khoáng sản được quy định trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc khối lượng khoáng sản được phép khai thác, thu hồi; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế; tăng cường quản lý cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; cho phép tổ chức, cá nhân thế chấp, góp vốn quyền khai thác khoáng sản; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu, mở rộng để đánh giá đầy đủ, khống chế hết thân khoáng sản đối với loại khoáng sản được cấp phép mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Tài nguyên địa chất, khoáng sản là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quy hoạch, điều tra, thăm dò đầy đủ; quản lý tập trung, thống nhất. Ngoài ra, khoáng sản là nguồn tài nguyên không thể tái tạo. Do đó, việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên này phải được thực hiện hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước bền vững trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.