Các huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông,... phía hạ lưu sông Tiền tiếp giáp biển Đông xác định nuôi thủy sản là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương trong nỗ lực phát huy tiềm năng đất đai, lao động giảm nghèo nông thôn, xây dựng nông thôn mới thành công, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai nơi đầu sóng ngọn gió.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng cho biết, Tân Phú Đông quan tâm đa dạng hóa mô hình nuôi phù hợp trình độ nông dân cũng như các tiểu vùng sinh thái trên đất cù lao nhiễm mặn ven biển, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, nhân rộng những mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi sinh, môi trường…
Địa phương xây dựng được những vùng thủy sản tập trung cho sản lượng nông sản hàng hóa lớn như vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, vùng nuôi tôm thâm canh, vùng nuôi luân vụ lúa + tôm, vùng nuôi theo mô hình công nghệ cao 2 - 3 giai đoạn…, giúp nhiều nông dân tạo dựng nên cơ nghiệp vững vàng.
Hiện tại, diện tích vùng nuôi theo mô hình lúa + tôm tại đây lên đến khoảng 130 ha, tập trung ở ấp Phú Hữu, xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông. Theo đó, vào khoảng tháng 6 và tháng 7 âm lịch, khi vào mùa mưa, nước ngọt dồi dào, nông dân làm đất và gieo sạ các giống lúa chịu mặn, năng suất cao, chất lượng tốt thuộc nhóm OM hoặc giống VD 20, chăm sóc để đến tháng 9, 10 âm lịch thu hoạch.
Thu hoạch lúa xong cũng đến thời điểm vào mùa khô hạn và xâm nhập mặn hàng năm tại huyện cù lao giáp biển. Khi ấy, thời tiết khắt nghiệt không thể trồng lúa được, nông dân chuyển sang cải tạo ruộng nương, tu sửa và củng cố bờ bao, bờ vùng lấy nước mặn vào nuôi tôm theo phương thức quảng canh.
Tại vùng nuôi xã Phú Tân đã hình thành Hợp tác xã nông - thủy sản Phú Tân sản xuất theo mô hình tôm - lúa, tổng diện tích sản xuất trên 60 ha. Với 1 vụ lúa + 1 vụ tôm/mỗi năm, nông dân đạt lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/ha, gấp đôi trồng lúa độc canh trước đây.
Từ năm 2021 đến nay, Tân Phú Đông còn triển khai nhiều mô hình, dự án khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật trên lĩnh vực nuôi thủy sản như mô hình “Nuôi tôm sú quảng canh cải tiến thích ứng biến đổi khí hậu”; dự án “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh”; dự án “Nuôi ghép các đối tượng thủy sản nước lợ (tôm, cua) thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nghèo ở vùng bãi ngang”; mô hình “Nuôi sò huyết trong ao”…
Ngoài ra, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đang được doanh nghiệp Tuấn Hiền (Tân Phú Đông) áp dụng rất thành công trong thực tế sản xuất. Ông Ngô Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuấn Hiền cho biết, doanh nghiệp hiện có 5 trang trại nuôi tôm thẻ công nghệ cao với diện tích mặt nước khai thác đưa vào nuôi khoảng 6 ha cho sản lượng mỗi năm từ 240 - 260 tấn tôm thương phẩm. Năng suất bình quân đạt rất cao, từ 40 tấn/ha/năm trở lên.
Tân Phú Đông đã quy hoạch các vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công ở xã Phú Tân, vùng dự án 230 ha ở xã Phú Đông, vùng dự án nuôi thủy sản công nghệ cao 352 ha tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân và vùng dự án nuôi thủy sản công nghệ cao gần 30 ha tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân. Các vùng nuôi kể trên có lợi thế nằm ở hạ lưu sông Tiền, tiếp giáp với biển Đông, chủ yếu nuôi tôm thẻ, tôm sú và các đối tượng nuôi thủy sản mặn - lợ khác có giá trị kinh tế cao.
Huyện ven biển Gò Công Đông đã đưa khoảng 3.200 ha mặt nước vào nuôi thủy sản với những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ, nghêu, các đối tượng thủy sản khác. Hầu hết các xã ven biển như Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước, Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng xác định nuôi trồng thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu thay cho trồng lúa một vụ trước đây là mũi nhọn kinh tế của địa phương.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, Gò Công Đông định hình được những vùng nuôi thủy sản tập trung tại vùng ven biển canh tác khó khăn trước đây như vùng nuôi Bắc Gò Công chủ yếu nuôi tôm sú, tôm thẻ phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu; vùng nuôi nghêu có diện tích khoảng 2.200 ha tập trung ở ven biển xã Tân Thành gắn với phát triển du lịch sinh thái biển. Chỉ riêng vùng nuôi nghêu, mỗi năm cung ứng thị trường trên 20.000 tấn sản phẩm.
Nông dân các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang): Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy chú trọng mở rộng diện tích mặt nước đưa vào nuôi các loại thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao như cá trê, cá tra, cá trôi, cá mè, cá chép, ương dưỡng cá giống, nhân và cung ứng cá cảnh các loại,..
Những vùng chuyên sản xuất cá giống và cá cảnh trên còn cung ứng con giống đáp ứng hậu cần vùng nuôi cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ như vùng sản xuất cá giống ở Tân Hội (thị xã Cai Lậy), vùng sản xuất theo mô hình cá + lúa ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), vùng chuyên sản xuất cá cảnh ở Mỹ Hội (Cái Bè) và các xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy)…
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp vả Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, thực hiện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc Quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang”, các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền đã chuyển gần 300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ươm và sản xuất cá giống.
Nhằm giúp nông dân nắm vững kỹ thuật, đưa và nhân rộng nhiều mô hình nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, thị xã Cai Lậy xây dựng mô hình “Nuôi ếch an toàn sinh học” quy mô 8.000 con tại 2 hộ nuôi thủy sản ở xã Tân Phú và mô hình “Nuôi lươn trong bể an toàn sinh học” tại 5 hộ dân ở 4 xã: Tân Phú, Mỹ Hạnh Đông, Mỹ Phước Tây, Thanh Hòa. Nhiều nông dân đi tiên phong, đúc kết kinh nghiệm, có những cách làm hay và lập nghiệp thành công từ nghề nuôi thủy sản ở các vùng sinh thái. Mô hình nuôi thủy sản của bà con có sức lan tỏa rộng khắp, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội lớn.
Trong 11 tháng năm 2023, tỉnh đã đưa gần 14.500 ha mặt nước vào nuôi thủy sản ở các vùng sinh thái ứng phó biến đổi khí hậu, tăng 3% so cùng kỳ năm trước. Sản lượng từ nuôi trồng và đánh bắt đạt trên 210.000 tấn tôm, cá các loại.