Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh tăng cường chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học công nghệ vào thâm canh, nhân rộng những mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai những địa bàn khó khăn như: ven biển Gò Công, vùng Đồng Tháp Mười, vùng kiểm soát lũ…
Trước mắt, các địa phương đã hình thành những vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm như: vùng nuôi thủy sản Nam Gò Công, Bắc Gò Công, vùng nuôi theo mô hình tôm và lúa ở Tân Phú Đông, vùng nuôi theo mô hình lúa + cá ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở vùng ven biển Gò Công, nuôi cá lồng bè trên sông Tiền địa bàn thành phố Mỹ Tho và các huyện đầu nguồn…
Bên cạnh đó, nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, các địa phương vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) đã đưa trên 3.200 ha vào nuôi thủy sản nước ngọt, nhiều nhất là huyện Cái Bè với khoảng 1.680 ha.
Đối với nông dân các huyện, thị vùng kiểm soát lũ đầu nguồn sông Tiền (Tiền Giang) cũng chuyển gần 300 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, chủ yếu ươm và sản xuất cá giống, nhằm thực hiện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi khu vực phía Bắc quốc lộ 1, tỉnh Tiền Giang”.
Tại đây, các địa phương đã hình thành những vùng chuyên sản xuất và cung ứng con giống đáp ứng hậu cần vùng nuôi cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam bộ như: vùng sản xuất cá giống ở Tân Hội (thị xã Cai Lậy), vùng sản xuất theo mô hình cá + lúa ở xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), vùng chuyên sản xuất cá cảnh ở Mỹ Hội (Cái Bè) và các xã Mỹ Thành Nam, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy)…
Nuôi thủy sản nước ngọt tại các huyện, thị đầu nguồn sông Tiền được đánh giá mang lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa năng suất cao, phù hợp những địa bàn đất hẹp, người đông. Từ đó, mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình cho các hộ nông dân vừa thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.
Nằm phía hạ lưu sông Tiền tiếp giáp biển Đông, huyện Tân Phú Đông xác định nuôi thủy sản là một trong những chương trình kinh tế trọng điểm của địa phương trong nỗ lực phát huy tiềm năng đất đai, lao động để giảm nghèo nông thôn, xây dựng nông thôn mới thành công, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai nơi đầu sóng ngọn gió.
Huyện quan tâm đa dạng hóa mô hình nuôi phù hợp trình độ nông dân cũng như các tiểu vùng sinh thái, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, nhân rộng những mô hình nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ môi sinh, môi trường…
Hiện nay, Tân Phú Đông đã xây dựng được những vùng thủy sản tập trung mang lại hiệu quả cao, cho sản lượng nông sản hàng hóa lớn như: nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm thâm canh, vùng nuôi luân vụ lúa + tôm, vùng nuôi theo mô hình công nghệ cao 2 – 3 giai đoạn…
Với huyện ven biển Gò Công Đông chú trọng phát triển vùng nuôi nghêu tập trung trên 2.200 ha, lớn nhất tỉnh Tiền Giang gắn với du lịch sinh thái, giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho nhân dân các xã Tân Thành, Tân Điền…Ngoài ra, còn thả nuôi trên 362 ha tôm thẻ ở các xã ven biển.
6 tháng đầu năm, huyện Gò Công Đông đã thu hoạch từ nuôi thủy sản mặn, lợ trên 12,200 tấn sản phẩm, đạt 55,4% chỉ tiêu cả năm.
Thực tế cho thấy, nhờ chuyển đổi mô hình sinh kế từ trồng lúa 1 vụ trên đất nhiễm mặn thu nhập bấp bênh, đời sống khó khăn trước đây sang nuôi thủy sản, nông dân địa phương vượt khó, thoát nghèo, nhiều hộ tạo dựng cơ nghiệp bền vững.
Đến nay, 100% số xã trong huyện ra mắt xã nông thôn mới và Gò Công Đông được công nhận là huyện đầu tiên của tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn và ra mắt huyện nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã mở rộng diện tích thả nuôi thủy sản lên 13.100 ha, đạt gần 85% chỉ tiêu cả năm và tăng 0,1% so cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm 2023, nông dân địa phương thu hoạch đạt sản lượng gần 94.000 tấn thủy sản các loại đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chề biến xuất khẩu, tăng 16,5% so cùng kỳ năm trước.