Trước đó, phóng viên TTXVN đã thông tin, theo phản ánh của người dân trên địa bàn xã Bảo Thuận và Tân Thủy, huyện Ba Tri (Bến Tre), đất rừng ven biển khu vực này đang xảy ra tình trạng phá rừng, đào ao, san phẳng rạch để nuôi sò, ảnh hưởng đến môi trường. Tình trạng này kéo dài nhưng không bị xử lý, trong khi đó người dân vào rừng lượm củi khô lại bị cấm, nhắc nhở. Bên cạnh đó, giữa rừng vốn có con rạch nhỏ, người dân có thể bơi xuồng vào rừng để bắt cua, ốc. Tuy nhiên, hiện con rạch đã bị san phẳng với chiều rộng hơn 100m, chiều dài hơn 2km, chiều sâu chỉ hơn 1m nước. Các con rạch nhỏ len lỏi trong rừng đã bị san phẳng để nuôi sò… Nếu tình trạng này không được xử lý triệt để, trong khi mức độ xâm thực biển ngày càng tăng, sẽ đe dọa trực tiếp đến đời sống của người dân bên trong tuyến đê ngăn cách giữa rừng và khu vực dân sinh.
Ông Nguyễn Thế Nghĩa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bến Tre cho biết, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, xác minh vi phạm đào đắp đất để nuôi sò gây ảnh hưởng đến rừng và đất rừng trên địa bàn xã Bảo Thuận, Tân Thủy. Tháng 7/2021, lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt hơn 67 triệu đồng đối với ông Mai Văn Kiếm (xã Bảo Thuận), vì hành vi phá rừng và buộc khắc phục hậu quả, trả lại hiện trạng ban đầu, trồng lại rừng trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, ông Kiếm mới nộp phạt mà chưa khắc phục hậu quả trên thực địa. Diện tích đất ông Kiếm gây thiệt hại là 9.517,3m2 cây rừng, gồm: 5.916,8m2 tại lô 30b4, lô 30b5 rừng tự nhiên khoanh nuôi năm 2018; loài cây bần, mắm là rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng và 3.600,5m2 tại lô 78c rừng trồng năm 2019.
Đến cuối tháng 2/2023, ông Mai Văn Sĩ (xã Bảo Thuận) đã thuê xe cuốc đào đắp khu vực đất rừng phòng hộ mà ông Mai Văn Kiếm vi phạm chưa khắc phục hậu quả, với diện tích 3.488 m2 thuộc lô 30b4b khoảnh 3 Tiểu khu 9 đất rừng phòng hộ xã Bảo Thuận, với mục đích làm hồ ươm sò giống. Hiện trường đã làm thành 6 hồ, đã trải bạt nhựa, nhưng chưa kịp thả sò giống
Vụ thứ 2, xảy ra vào khoảng tháng 10/2022, ông Nguyễn Thanh Bình tự ý đưa xe cuốc đào đắp đất bãi bồi khu vực xẻo Cồn Ngoài địa bàn xã Tân Thủy. Khu vực này ngoài vùng quy hoạch lâm nghiệp, thuộc sự quản lý của Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Tân Thủy nên HTX phối hợp với Phân khu phòng hộ và UBND xã Tân Thủy để xác minh làm rõ vụ việc. Nhận thấy khu vực đất ông Bình tác động không thuộc lâm phần đất rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng quản lý nên Hạt Kiểm lâm chưa có cơ sở đề xuất xử lý.
Tuy nhiên qua phản ánh, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phát hiện ông Nguyễn Thanh Bình đã tiếp tục đào đắp đất thuộc khu vực ngoài vùng quy hoạch lâm nghiệp, thuộc địa bàn xã Tân Thủy. Hiện trạng đất bị đào đắp được phát hiện là 2.902,36 m2, trong đó có ảnh hưởng đến 506,76 m2 khu vực có loài cây mắm nhỏ mọc rải rác cặp mé rạch. Quá trình thực hiện, ông Bình không có hợp đồng thuê và cũng không được cơ quan chức năng hay cá nhân nào cấp phép mà tự ý thuê xe cuốc đào đắp khu vực này để nuôi sò. Hạt Kiểm lâm đang củng cố hồ sơ, chứng cứ hành vi vi phạm, phối hợp với Phân khu Phòng hộ, Ủy ban nhân dân xã Tân Thủy, Hợp tác xã Thủy sản Tân Thủy, để xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết, vừa nhận được báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bến Tre về vụ đào đất nuôi sò, ảnh hưởng đến rừng ven biển. Quan điểm của Sở sẽ xử lý nghiêm hành vi phá rừng ven biển để nuôi trồng thủy sản, đồng thời buộc các đối tượng phải khôi phục hiện trạng rừng tại các vị trí bị đào xới. Bên cạnh đó, rà soát thanh kiểm tra, đánh giá xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực (nếu có) trong vụ việc.