Thực tế cho thấy, đa số nghệ nhân, người biết làm nghề truyền thống tuổi đã cao, người có tay nghề giỏi ngày càng ít, việc truyền nghề cho thế hệ kế cận hạn chế nên nguy cơ mai một nghề truyền thống rất cao. Vì vậy, tỉnh Kon Tum đang chú trọng công tác bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, từ Nghị quyết số 08-NQ/TU về “Bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Tỉnh ủy Kon Tum đến các chương trình hành động cụ thể của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh.
Từ Nghị quyết...
Tháng 2/2022, tại Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, Tỉnh ủy Kon Tum xác định có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ các nghề truyền thống bị mai một. Bên cạnh yếu tố con người, việc tiêu thụ sản phẩm nghề truyền thống gặp khó khăn; công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm nghề truyền thống tham gia vào hoạt động du lịch chưa hiệu quả. Việc đầu tư, phát triển nguồn nguyên, vật liệu phục vụ bảo tồn, phát triển nghề truyền thống chưa được quan tâm đúng mức khiến nghề truyền thống gặp nhiều khó khăn trong bảo tồn và phát triển.
Vì vậy, Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống nhằm giữ gìn bền vững bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số tại chỗ, gắn với phát triển các loại hình du lịch, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Qua đó góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Ngay sau khi Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt Đề án “bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh, giao Ban Dân tộc xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án.
Ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao, gần 3 năm qua, Ban Dân tộc triển khai nhiều nội dung, nhiệm vụ để khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ như: Thu thập tư liệu về các truyền thuyết, giai thoại, điển tích gắn với quá trình hình thành và phát triển của sản phẩm nghề truyền thống; rà soát xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân tiêu biểu; đưa một số nghề truyền thống vào các chương trình đào tạo ngoại khóa tại cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn... Ban Dân tộc phối hợp các ban, ngành, địa phương tổ chức truyền dạy nghề tại thôn, làng.
Đến nay, các huyện, thành phố tổ chức mở 24 lớp truyền dạy nghề tại các thôn (làng), khu dân cư cho thế hệ kế cận, nhất là người trẻ tuổi, đối tượng nòng cốt trong các tổ liên kết, hợp tác xã, hộ gia đình tại thành phố Kon Tum và các huyện Đăk Glei, Đăk Hà, Sa Thầy, Tu Mơ Rông.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức 10 lớp truyền dạy nghề dệt thủ công truyền thống trong cộng đồng các dân tộc Xơ Đăng, Gié - Triêng với 300 học viên tham gia.
Nhờ nỗ lực của các cấp chính quyền, đoàn thể và chủ thể, cá nhân, nghệ nhân, đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Kon Tum có 13.846 người biết làm nghề truyền thống, tăng 1.676 người so với thời điểm đầu năm 2022. Đây là những tín hiệu tích cực đầu tiên trong công tác bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, không để nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum bị mai một, ông Đinh Quốc Tuấn nhấn mạnh.
... đến chương trình thực tế
Nằm trong các hoạt động, chương trình thực tế để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, từ ngày 26 - 30/12, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum tổ chức trình diễn, trưng bày nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết, nghề thủ công truyền thống là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng của cư dân các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Nghề thủ công truyền thống được Nhà nước tôn vinh là loại hình Di sản văn hóa văn hóa phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị tri thức dân gian quý báu của cá nhân, cộng đồng, đúc kết qua hàng nghìn năm phát triển và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác khác.
Tuy nhiên, trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển, nghề thủ công, sản phẩm của nghề truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đang bị tác động mạnh mẽ và ngày càng mai một, trong cộng đồng ít duy trì thực hành trình diễn cũng như làm ra, duy trì sử dụng sản phẩm thủ công truyền thống.
“Bảo tàng - Thư viên tỉnh tổ chức chương trình nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghề thủ công truyền thống tại bảo tàng; giới thiệu chuyên sâu nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại chỗ đến đông đảo khách tham quan, học sinh, sinh viên, nhà nghiên cứu di sản văn hóa. Bên cạnh đó cũng tạo điều kiện cho nghệ nhân nắm giữ các tri thức dân gian nghề thủ công truyền thống có không gian để thực hành, giới thiệu di sản văn hóa của dân tộc mình và giao lưu với các dân tộc anh em khác trong không gian trưng bày của bảo tàng tỉnh", ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm.
Cùng với trưng bày sản phẩm từ các nghề truyền thống, Bảo tàng - Thư viện tỉnh Kon Tum tổ chức không gian trình diễn để các nghệ nhân nghề truyền thống tái hiện việc sản xuất sản phẩm.
Nghệ nhân Ưu tú Y Ber, làng Kon Săm Lũ, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy cho biết, đối với cộng đồng người Bahnar, nghề làm gốm trở thành một trong những nghề mưu sinh qua nhiều thế hệ. Những sản phẩm như bát ăn cơm, cốc uống nước, nồi nấu thức ăn… được bàn tay khéo léo của nghệ nhân tạo ra. Qua đó giúp người dân, du khách và học sinh tận mắt quan sát, tìm hiểu quá trình hoàn chỉnh để tạo ra sản phẩm gốm của người Bahnar.
"Đối với làm gốm, quan trọng nhất là tìm được loại đất sét tốt. Chúng tôi phải đi tìm, lấy đất sét từ một khe suối cách làng hơn 1 km. Tuy nhiên, hiện nay, trong làng Kon Săm Lũ chỉ có một mình tôi còn biết làm gốm. Tôi rất lo lắng về việc nghề làm gốm của dân tộc Bahnar sẽ bị thất truyền. Hy vọng qua những chương trình như thế này, nhiều người sẽ biết đến với nghề gốm của chúng tôi, mua các sản phẩm. Khi đó, sẽ có nhiều người trẻ học làm và nghề sẽ không bị thất truyền”, Nghệ nhân Ưu tú Y Ber chia sẻ.
Nghệ nhân A Klôi, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy trình diễn nghề đan lát của dân tộc thiểu số Rơ Măm. Ông A Klôi cho biết, trong làng chỉ còn vài người lớn tuổi biết đan lát, vì thế hệ trẻ không mặn mà với nghề này. Thông qua chương trình trình diễn, trưng bày nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum, nghệ nhân A Klôi mong muốn nghề đan lát của dân tộc Rơ Măm sẽ được nhiều người biết đến hơn.
Em Huỳnh Công Hưng, học sinh lớp 11, Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Liên Việt Kon Tum chia sẻ, em rất thích thú khi được tham gia trải nghiệm thực tế tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh, được trực tiếp quan sát, tìm hiểu quá trình tạo ra sản phẩm thủ công truyền thống của các nghệ nhân. Đây sẽ là những kiến thức rất bổ ích cho em và các bạn, phục vụ tốt hơn quá trình học tập của chúng em.
Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban ngành, địa phương tạo ra tín hiệu tích cực trong bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, hiện thực hóa mục tiêu đưa các nghề truyền thống trở thành nghề “mưu sinh”, cần thiết phải có những chính sách để có được thị trường tiêu thụ ổn định đối với các sản phẩm thủ công. Đó sẽ là “bài toán” ngành chức năng nghiên cứu, tìm ra câu trả lời trong những năm tới để văn hóa của các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum không bị mai một theo thời gian.