Gia Lai tăng cường tuyên truyền phòng, chống bệnh khảm lá sắn

Ngày 27/9, ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết, mặc dù ngành chuyên môn đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ và tiêu hủy đến từng địa phương và người trồng sắn để hạn chế nguồn bệnh khảm lá sắn, tuy nhiên, người dân vẫn chủ quan trong phòng chống bệnh nên nguồn bệnh khảm lá sắn vẫn tồn tại, phát triển trên đồng ruộng và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.

Chú thích ảnh
Những năm gần đây, khi bệnh khảm lá sắn xuất hiện, tỉnh Gia Lai đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tuyên truyền, phổ biến bệnh khảm lá virus hại sắn. Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Khải, bệnh khảm lá virus hại sắn là loại bệnh rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và khó phòng trừ. Điều đáng lo ngại là hiện nay bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị và giống kháng bệnh. Những năm gần đây, khi bệnh khảm lá sắn xuất hiện, tỉnh Gia Lai đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tuyên truyền, phổ biến bệnh khảm lá virus hại sắn và tác hại của bệnh đến nông dân.

Cụ thể, ngành chuyên môn đã hướng dẫn các biện pháp phòng trừ và tiêu hủy gốc, thân, lá cây sắn bị bệnh bằng cách đốt, chôn lấp để hạn chế nguồn bệnh và không được sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh khảm lá để làm hom giống trồng cho vụ sau. Tuy nhiên, việc triển khai, chỉ đạo tổ chức thực hiện của nhiều địa phương chưa thực sự kiên quyết, người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng chống bệnh khảm lá sắn, không nhổ bỏ, tiêu hủy nguồn bệnh theo đúng hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Số ít người dân vẫn sử dụng nguồn giống nhiễm bệnh để trồng nên nguồn bệnh vẫn tồn tại, có khả năng lây lan cao.

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến ngày 21/9/2022 trên địa bàn hiện có khoảng 6.000 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá virus, chiếm tỷ lệ khoảng 7,7 % diện tích sắn của tỉnh; trong đó diện tích nhiễm nhẹ khoảng 5.300 ha, trung bình hơn 500 ha, nặng hơn 150 ha, phân bố tại các huyện Krông Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Kbang, Đak Pơ, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê.

Báo cáo số liệu thống kê cho thấy, nhờ tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cách thức phòng chống bệnh khảm lá sắn mà diện tích sắn nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giảm 27 ha so với kỳ trước, giảm gần 3.700 ha so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất nguy cơ bệnh lây lan ra diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai cũng khuyến cáo đối với người dân trồng sắn, đối với những diện tích sắn trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022 đã bị nhiễm bệnh sau khi thu hoạch cần tiêu hủy ngay gốc, thân, lá để tránh nguồn bệnh lây lan cho vụ sau, tuyệt đối không lấy hom để làm giống cho vụ sau.

Trước đó, Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) đã chọn tạo ra được giống sắn HN1, HN 3, HN5. Những giống này đã được Cục Trồng trọt tiếp nhận hồ sơ tự công bố lưu hành giống cây trồng tại vùng Đông Nam bộ. Đối với khu vực Tây Nguyên, chưa được công bố lưu hành. Năm 2021, tỉnh Gia Lai đã đưa về trồng khảo nghiệm ở một số địa phương trong tỉnh và hiện đang tiếp tục mở rộng trồng khảo nghiệm tại nhiều địa phương trồng sắn trong tỉnh.

Để chủ động phòng chống bệnh khảm lá virus hại sắn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho sản xuất sắn trên địa bàn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương trồng sắn tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn.

Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền bằng về nguy cơ, tác hại và các biện pháp phòng, chống bệnh khảm lá virus hại sắn, bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh), quy trình canh tác sắn, quy trình tự để giống sắn sạch bệnh. Đồng thời, thực hiện nghiêm kiểm soát, ngăn chặn kịp thời và xử lý triệt để các trường hợp, vận chuyển, buôn bán giống sắn đã nhiễm bệnh vào trong địa bàn huyện, thị xã. Mặt khác, hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng ít nhất một vụ sản xuất trên diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh; tổ chức tốt việc phòng trừ, tiêu hủy triệt để nguồn bệnh, phun trừ bọ phấn trắng theo đúng hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan chuyên môn.

Cùng với đó, ngành chuyên môn tại cơ sở cũng cần tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến cáo người dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào các khâu trong sản xuất cây trồng nói chung, cây sắn nói riêng và thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ (VietGAP, 4C, GlobalGAP, Organic, Rainforest Alliance).

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cũng đề nghị Trung tâm Nghiên cứu Giống cây trồng, Trung tâm Khuyến nông chủ động liên hệ, phối hợp với các viện, Trung tâm nghiên cứu giống sắn xây dựng mô hình trồng khảo nghiệm, đánh giá, chuyển giao, đưa vào sản xuất các giống sắn có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Riêng đối với các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh, phải chấp hành nghiêm kiểm dịch thực vật theo quy định; đồng thời có trách nhiệm khai báo với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về nguồn gốc giống sắn khi đưa từ các tỉnh khác về địa phương, đồng thời cam kết cung ứng giống sắn sạch bệnh cho nông dân trồng trên địa bàn, vùng nguyên liệu của nhà máy; sớm đầu tư xây dựng các khu vực sản xuất giống sạch bệnh, giống sắn kháng bệnh để đảm bảo nguồn giống tốt cung cấp cho người dân sản xuất trong vùng nguyên liệu của nhà máy đầu tư. Ngoài ra, tuyệt đối không cung ứng các giống sắn bị nhiễm bệnh và không được nhập các giống sắn đã bị nhiễm bệnh từ các tỉnh khác về tỉnh Gia Lai.

Hồng Điệp (TTXVN)
Cảnh báo bệnh khảm lá sắn lan rộng ở Đồng Nai
Cảnh báo bệnh khảm lá sắn lan rộng ở Đồng Nai

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bệnh khảm lá sắn đang phát triển và lan rộng, nhiều địa phương có gần 100% diện tích trồng sắn mắc bệnh khảm lá. Điều đáng lo ngại, sau khi xuất hiện bệnh, nông dân thường bỏ ruộng rẫy, không chăm sóc khiến bệnh ngày càng lan rộng, nguy cơ khó kiểm soát được dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN