Dịch bệnh khảm lá sắn gây thiệt hại lớn

Dịch bệnh khảm lá sắn diễn ra trên diện rộng và ngày càng nghiêm trọng tại Thừa Thiên - Huế, nhiều nông dân trên địa bàn phải đối mặt với khó khăn vì thiệt hại kinh tế nặng nề và nợ nần.

Vụ sắn năm nay, gia đình anh Hoàng Ngọc Hùng, thôn Bắc Triều Vịnh, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, trồng 7 ha sắn. Sau một thời gian trồng, cây sắn bắt đầu phát triển có hiện tượng bị xoăn và bạc lá và lây lan nhanh ra các cây khác. Gia đình anh đã mua nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật về phun và tăng cường bón phân nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm.

Chú thích ảnh
 Cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. 

Đến nay, có 6 ha bị bệnh khảm lá với tỷ lệ trên 70%, phải tiến hành nhổ bỏ hoàn toàn; 1 ha còn lại cũng bị nhiễm bệnh với tỷ lệ 30 - 70%. Theo tính toán của anh Hùng, từ đầu vụ đến nay gia đình anh đã đầu tư hơn 100 triệu đồng vào cây sắn, trong khi đó nợ ở các cửa hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hơn 70 triệu và phải chịu lãi suất 10%/tháng.

Bàn tay thoăn thoắt nhổ những gốc sắn bị bệnh, anh Hoàng Ngọc Hùng buồn bã cho biết, hàng năm trung bình mỗi ha sắn mang lại thu nhập cho gia đình khoảng 30 - 40 triệu đồng. Nhưng giờ đành phải nhổ bỏ mang đi tiêu hủy gần như hoàn toàn. Vụ năm nay, gia đình anh không có thu hoạch, mất luôn cả vốn lẫn lời. Anh rất lo lắng vì không biết lấy tiền đâu ra để trả nợ. 

Cũng như gia đình anh Hùng, nhiều nông dân ở xã Phong Hiền cũng đang đứng trước nguy cơ nợ nần vì diện tích sắn bị mất trắng do bệnh khảm lá gây hại. Theo thống kê, vụ sắn năm nay, toàn xã Phong Hiền đưa vào sản xuất 286 ha sắn; trong đó, có trên 200 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá sắn với tỷ lệ trên 70%.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền, huyện Phong Điền cho biết, chính quyền địa phương đã phân công cán bộ trực tiếp về cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn nông dân về triệu chứng, nguyên nhân, phương thức lây lan, tác hại và biện pháp quản lý bệnh khảm lá hại sắn. Chỉ đạo người dân khoanh vùng bị nhiễm bệnh; nhổ bỏ và tiêu hủy các cây sắn bị nhiễm bệnh; thu gom toàn bộ tàn dư, cây sắn còn lại từ vụ trước trên các bờ thửa, hàng rào đem tiêu hủy để tiêu diệt nguồn bệnh.

Đồng thời, huyện vận động nông dân tuyệt đối không được vận chuyển gom giống sắn ra khỏi vùng bị bệnh hoặc sang địa phương khác để tránh lây lan. Thành lập Ban chỉ đạo để kiểm tra giám sát việc phòng trừ bệnh khảm lá sắn tại địa phương. Điạ phương cũng đã huy động hơn 300 cán bộ, giáo viên và đoàn viên thanh niên hỗ trợ người nông dân nhổ bỏ, tiêu hủy diện tích sắn bị nhiễm bệnh.

Huyện Phong Điền là địa phương có diện tích nhiễm dịch bệnh khảm lá sắn lớn nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế với gần 1.000 ha. Để hỗ trợ cho người nông dân bị thiệt hại, UBND huyện Phong Điền đã thống nhất mức hỗ trợ tiêu hủy trên diện tích sắn bị nhiễm bệnh là 2 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh trên 70% và 1 triệu đồng/ha đối với diện tích bị nhiễm bệnh dưới 70%. 

Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế, kế hoạch năm 2020, toàn tỉnh trồng khoảng 5.665 ha sắn, hiện nay đã trồng 4.824 ha. Bệnh khảm lá sắn đang gây hại trên diện tích 1.591 ha; tập trung tại huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà; trong đó, diện tích bị mất trắng là hơn 816 ha; diện tích nhiễm trung bình - nặng 688 ha. Các địa phương đã tổ chức nhổ bỏ, tiêu hủy gần 1.000 ha. Cùng với bệnh khảm lá, nông dân trồng sắn ở Thừa Thiên - Huế còn gặp khó khăn với tình trạng rệp sáp gây hại trên sắn, tỷ lệ hại 3 - 5%, cục bộ nơi cao 40 - 50%; bọ phấn trắng gây hại khoảng 260 ha sắn. 

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên - Huế, với điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao trong thời gian tới, bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) sẽ phát sinh gây hại. Trong khi việc tiêu hủy cây sắn bị nhiễm bệnh còn chậm; nguồn bệnh đang tồn đọng trên các vùng trồng sắn.

Dự báo bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát tán, lây lan cho các vùng chưa nhiễm bệnh, diện tích bị thiệt hại và diện phân bố sẽ tăng, nguy cơ nhiều diện tích mất trắng. Chi cục khuyến cáo nông dân tăng cường tiêu hủy bệnh khảm lá sắn; phòng trừ bọ phấn trắng (môi giới truyền bệnh) khảm lá sắn. Thường xuyên kiểm tra và phun trừ bọ phấn nơi có mật độ cao bằng các loại thuốc hóa học như Chess 50WG, Topchets 650WG… kịp thời, hiệu quả, tránh chủ quan để bọ phấn trắng mô giới truyền bệnh khảm lá phát tán lây lan trên diện rộng.

Phun trừ rệp sáp bằng các loại thuốc hóa học có hoạt chất Azadirachtin, Imidacloprid... để hạn chế mật độ, lây lan trên diện rộng. Đối với các địa phương chưa phát hiện bệnh khảm lá sắn cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra, rà soát diện tích trồng sắn, bệnh khảm lá để khoanh vùng dập dịch. Các diện tích chưa gieo trồng cần tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt nguồn giống.

Tin, ảnh: Tường Vi (TTXVN)
Hơn 300 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở Bình Phước
Hơn 300 ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá ở Bình Phước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước, bệnh khảm lá sắn (khoai mì) có tên khoa học là Sri Lanka Cassava Mosaic Virus (SLCMV) là bệnh lan truyền qua môi giới là bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bị bệnh đang lây lan khá mạnh tại các tỉnh, thành phía Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN