Gia Lai hưởng lợi từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên

Qua 2 năm đầu triển khai thực hiện Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, tại tỉnh Gia Lai đã có những bước khởi đầu mang lại hiệu quả tích cực giúp cho người nghèo trên địa bàn có thêm những điều kiện cần thiết để phát triển sản xuất bền vững, từng bước ổn định và nâng cao cuộc sống. Đáng lưu ý là nhóm cải thiện sinh kế cuộc sống của người nghèo đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện có kết quả, nhất là đối với cộng đồng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo thống kê của tỉnh Gia Lai, nếu như trong năm 2015 chỉ có 68 nhóm sinh kế với khoảng 2.000 hộ được hưởng lợi từ dự án, thì đến giữa năm 2016 đã tăng lên 134 nhóm với khoảng 6.000 hộ hưởng lợi. Trên cơ sở tùy theo từng vùng khí hậu cũng như nhu cầu thị trường, các nhóm hưởng lợi tự nguyện đề xuất từng loại cây trồng - vật nuôi phù hợp để được dự án hỗ trợ và cùng nhau phát triển. Ngoài các loại cây truyền thống như ngô lai, lúa lai, mía..., các nhóm cải thiện sinh kế đã chọn và mở rộng thêm các loại cây trồng khác như gừng, gấc, đậu xanh... bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.          

Ở huyện Ia Pa, các nhóm sinh kế ở xã A Ma Rơn đã phát triển cây đậu xanh được vài chục hecta bằng giống mới và thực hiện tốt các biện pháp thâm canh theo hướng dẫn kỹ thuật của dự án. Ông Siu Tâm - trưởng nhóm ở làng Bah Leng cho biết, trước đây bà con trong làng có trồng đậu xanh nhưng "được chăng hay chớ", nay có đầu tư thâm canh nên năng suất đạt 1,2 tấn/ha, cao hơn 0,2 tạ/ha so với trước.      

Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây tiêu ở huyện biên giới Đức Cơ (Gia Lai). Ảnh: Hoài Nam – TTXVN

Tại huyện Mang Yang có 38 tiểu dự án sinh kế; trong đó có 9 tiểu dự án trồng gừng với hàng chục hecta tại các làng Đăk Pơ Nan (xã Kon Thụp), làng Đăk H'lă (xã Lơ Pang)... Tuy chưa đến mùa thu hoạch, song toàn bộ diện tích gừng ở các nhóm hưởng lợi đều phát triển tốt và hứa hẹn một mùa bội thu vào cuối năm nay. Chị Trần Thị Hiếu - hướng dẫn viên cộng đồng xã Lơ Pang cho biết, với 140 triệu đồng nếu trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật thì 9 tháng sau, 1 ha gừng sẽ cho thu hoạch từ 25 - 30 tấn. Với giá bán trên thị trường khoảng 12.000 đồng/kg, trồng gừng sẽ cho thu khoảng 300 triệu đồng/ha.    
Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên thực hiện trong 6 năm (2014 - 2019) với tổng nguồn vốn 165 triệu USD, tương đương 3.465 tỷ đồng VND từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Mục tiêu phát triển của dự án là nâng cao mức sống thông qua cơ hội cải thiện sinh kế ở các xã nghèo bằng cách: cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; tăng tính tự chủ và cơ hội sinh kế trên cơ sở củng cố an ninh lương thực và dinh dưỡng; cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện để thúc đẩy sản xuất, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng; nâng cao năng lực cán bộ các cấp để thực hiện hiệu quả dự án.        
 
Theo ông Hồ Phước Thành - Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý Dự án giảm nghèo tại tỉnh Gia Lai, bước đầu người nghèo và nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số đã nâng cao được kiến thức và biết cung cách làm ăn mới, từng bước thoát nghèo một cách căn cơ. Thời gian tới sẽ có sự kiểm tra, giám sát từng việc làm của từng nhóm hộ hưởng lợi; coi trọng việc tuyên truyền, vận động các hộ nghèo tự nguyện tham gia, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho các loại cây trồng - vật nuôi theo nhóm cải thiện sinh kế.
Văn Thông
Tín dụng chính sách góp phần giúp hộ nghèo phát triển sản xuất
Tín dụng chính sách góp phần giúp hộ nghèo phát triển sản xuất

Chuyên đề “An sinh xã hội vùng Tây Bắc” đăng trên Báo Tin tức Cuối tuần số 36 đã khái quát tổng thể những bất cập, khó khăn của vùng cũng như những chính sách của Nhà nước thông qua các Chương trình, dự án, từng bước đưa Tây Bắc thoát nghèo. Ông Trương Xuân Cừ (ảnh), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã trao đổi với PV báo Tin Tức về công tác thực hiện các chương trình tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN