Đầu tư hạ tầng giao thông để Tây Nguyên phát triển bền vững

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong mấy năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, nhà nước đã đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên.

Kẻ sơn phân làn đường Hồ Chí Minh, đoạn qua tỉnh Đăk Nông. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng và vùng phụ cận Tây Nguyên, với 35 huyện thuộc 9 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Phước.

Chỉ riêng từ năm 2010 đến nay, nhà nước đã đầu tư trên 64.069 tỷ đồng (vốn cho các công trình do Trung ương quản lý khoảng 45.347 tỷ đồng, vốn cho các công trình địa phương quản lý khoảng 18.722 tỷ đồng) để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên, tăng 1,62 lần so với giai đoạn 2006-2010.

Nhiều công trình giao thông trọng yếu của vùng Tây Nguyên như đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Quốc lộ 19, 20, 24, 25, 27, 28… cũng đã được tập trung đầu tư, một số tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần làm thay đổi diện mạo Tây Nguyên.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tiếp tục hoàn thiện 8 dự án đường bộ, với tổng kinh phí khoảng 15.692 tỷ đồng, tổng chiều dài quốc lộ được nâng cấp , cải tạo khoảng 681km bằng các nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ, xã hội hóa…

Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đầu tư trên 18.722 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường địa phương, trong đó, vốn dành cho đường tỉnh trên 4.403 tỷ đồng, số vốn còn lại là đầu tư cho hệ thống giao thông nông thôn…

So với từ năm 1975 trở về trước (khi miền Nam chưa giải phóng), hệ thống giao thông của các tỉnh Tây Nguyên hầu hết chưa có bao nhiêu, đường đất là phổ biến, các tuyến đường như quốc lộ 14, 27, 26… , thì đến nay, đường bộ của các tỉnh Tây Nguyên đã có tổng chiều dài trên 39.812km.

Tỷ lệ được cứng hóa trong hệ thống đường giao thông của vùng Tây Nguyên cũng không ngừng được tăng lên. Hiện nay, ngoài phần lớn các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ được nhựa hóa, các tuyến đường huyện trên địa bàn Tây Nguyên cũng đã được cứng hóa, bê tông hóa gần 71%, đường xã cứng hóa đạt gần 52%, đường thôn, xóm cứng hóa khoảng 30%. 100% số xã (600/600 xã) có đường ô tô đến trung tâm xã, cao hơn 0,78% so với bình quân chung của cả nước.

Nhà nước cũng đầu tư nâng cấp 3 cảng hàng không theo đúng quy hoạch: Cảng hàng không Liên Khương (Lâm Đồng), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai) để máy bay A320 hạ, cất cánh phục vụ tốt yêu cầu đi lại, vận tải của hành khách…

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Chỉ riêng năm 2016, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn Tây Nguyên đã đạt 151.039 tỷ đồng, tăng 7,47% so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 39,56 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tăng cao. Đặc biệt, do có hệ thống giao thông thuận lợi nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp trong, ngoài nước đến đầu tư tại các tỉnh vùng Tây Nguyên…

Điển hình như tháng 6/2015, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đến thành phố Hồ Chí Minh) dài 663km đã chính thức hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng (sau gần 2 năm triển khai xây dựng), vượt tiến độ hơn 1 năm so với dự kiến, tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Đây là tuyến đường xương sống huyết mạch đã tạo đà tiếp tục mở ra việc kết nối, phát triển và hoàn thiện hệ thống đường ngang, đường hành lang Đông - Tây với miền Trung, Đông Nam Bộ, kết nối với Lào và Campuchia.

Thời gian đi lại giữa các tỉnh đã ngày càng rút ngắn, đi lại thuận tiện, an toàn hơn, chi phí vận tải giảm góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh cho các đơn vị kinh doanh.

Doanh nghiệp vận tải Lê Viết Long, ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) chuyên vận chuyển phân bón, cà phê cho biết, đường Hồ Chí Minh khi chưa nâng cấp, mở rộng thì một xe vận tải chạy 40 chuyến đi và về từ Buôn Ma Thuột - Thành phố Hồ Chí Minh phải thay lốp, nay chạy 80 chuyến mới thay lốp (vỏ xe) hoặc hơn, thời gian lưu thông xe nhanh hơn, xe chạy đủ tải…

Còn anh Nguyễn Văn Long, Giám đốc kinh doanh nông sản ở Buôn Ma Thuột cho biết, từ khi tuyến đường hoàn thành mỗi tháng doanh nghiệp vận chuyển 10 đến 15 chuyến hàng nông sản về thành phố Hồ Chí Minh, gấp 3 lần so với trước đây, vừa giảm chi phí đầu tư vận tải vừa tăng giá thu mua nông sản cho đồng bào.
Cũng theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng kể nhưng nhìn tổng thể và so với yêu cầu đặt ra của toàn vùng thì hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư tương xứng với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng Tây Nguyên.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị sớm thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hạ tầng giao thông vùng Tây Nguyên góp phần thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng, khuyến khích các đơn vị trong, ngoài nước đầu tư các công trình trọng yếu bằng nhiều nguồn vốn và hình thức huy động vốn.

Ban Chỉ đạo cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhanh nguồn vốn trái phiếu Chính phủ tiết kiện được từ đầu tư, nâng cấp đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên) để tập trung đầu tư đồng bộ các tuyến tránh, tuyến đường kết nối vào con đường huyết mạch này.

Cùng với đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm nghiên cứu, tìm các giải pháp về nguồn vốn báo cáo Chính phủ để đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Tân Cảnh (Kon Tum) về thành phố Đà Nẵng.

Đoạn đường này đã được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 1 nhưng mặt đường còn hẹp (7m), nhiều đèo dốc quanh co, giao thông đi lại còn khó khăn. Đây cũng là một trong những điểm nghẽn để phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh Tây Nguyên.

Hiện nay, hạ tầng giao thông ở Tây Nguyên mới chỉ chủ yếu phát triển đường bộ, đường hàng không. Đề nghị nhà nước sớm đầu tư vào đường sắt, đường thủy góp phần phát triển vận tải đa phương thức, giảm chi phí vận tải, tạo điều kiện thuận lợi trong hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư để Tây Nguyên phát triển bền vững.

Quang Huy (TTXVN)
Đầu tư phát triển hệ thống giao thông Tây Nguyên
Đầu tư phát triển hệ thống giao thông Tây Nguyên

Mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên đã có tổng chiều dài gần 40.000 km, với tỷ lệ được cứng hóa đạt gần 48%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN